Phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ văn hóa bản địa, phát triển đô thị sinh thái
     
Phong Điền được ví như vành đai xanh với những vườn cây trái, không khí trong lành, sông rạch uốn quanh, miệt vườn sung túc. Lợi thế này giúp Phong Điền phát triển loại hình du lịch xanh - du lịch cộng đồng, theo định hướng trở thành đô thị sinh thái. Tuy nhiên đứng trước nhiều thách thức và sự tác động của môi trường, Phong Điền không ngừng tìm giải pháp để phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm. Vấn đề này lần nữa được đặt ra trong hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả du lịch cộng đồng và tìm ý tưởng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Phong Điền”.
 
Vườn cây trĩu quả là điểm nổi bật trong loại hình du lịch sinh thái của Phong Điền. Ảnh: ÁI LAM
 
Với hơn 8.500ha cây ăn trái, nổi tiếng với nhiều loại trái ngon, như: dâu Hạ Châu, cam mật, sầu riêng cơm vàng hạt lép, vú sữa, măng cụt, nhãn ido… Phong Điền đón chào du khách bằng những vườn cây xanh rợp, trĩu quả, với tay là có thể hái trái thỏa thích. Thêm vào đó, vùng đất có lịch sử mấy trăm năm với sinh hoạt đậm chất văn minh miệt vườn, tạo nét văn hóa bản địa độc đáo, người dân nơi đây lại hào sảng. Những điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa thuận lợi đó đã góp phần giúp Phong Điền phát triển đa dạng các loại hình du lịch: sinh thái, cộng đồng, tâm linh, trải nghiệm văn hóa sông nước…
 
Phong Điền hiện có 59 điểm du lịch, trong đó có khoảng 30 điểm vườn du lịch sinh thái. Du lịch xanh, cộng đồng vẫn là thế mạnh trong phát triển du lịch của Phong Điền, nhất là khi địa phương có nhiều Nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch Phong Điền bền vững gắn với phát triển đô thị sinh thái. So với các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Phong Điền là một trong những địa phương phát triển du lịch từ rất sớm, nổi tiếng với nhiều điểm đến: chợ nổi Phong Điền, làng du lịch Mỹ Khánh, vườn ca cao Mười Cương, Vàm Xáng Mekong Rustic, vườn 9 Hồng… đều nằm trong tour truyền thống mà du khách từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thường lựa chọn. Gần đây, địa phương không ngừng mở rộng điểm đến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Tuy vậy, Phong Điền vẫn đang đứng trước nhiều thách thức: Tìm bản sắc cho sản phẩm du lịch địa phương, phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ những giá trị văn hóa sông nước - bảo vệ môi trường bền vững và có trách nhiệm, gắn với phát triển huyện Phong Điền trở thành đô thị sinh thái, tạo cho cộng đồng môi trường sống ổn định trước những biến đổi và tác động của ô nhiễm.
 
Quảng bá giới thiệu các trái cây, sản phẩm làng nghề truyền thống tại
Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền 2018. Ảnh: ÁI LAM
 
Trước những vấn đề này, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận nhiều vấn đề: quy hoạch, chính sách phát triển du lịch của địa phương; xây dựng hệ thống sản phẩm mới trên cơ sở phát huy những giá trị độc đáo trong lối sống, tập quán của dân bản địa; xây dựng các dịch vụ tương tác, phụ trợ có chất lượng, đa dạng; đầu tư cho nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông phục vụ các tuyến du lịch… Ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, bày tỏ: “Muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững phải có sự cộng hưởng bền chặt từ nhiều phía, đặc biệt là từ nhân dân với đơn vị quản lý và các doanh nghiệp. Trong đó, đơn vị quản lý là “nhạc trưởng” xây dựng các quy hoạch và chính sách phù hợp, hỗ trợ cộng đồng làm du lịch”. Từ cơ sở này, ông Trần Duy Phương cho rằng Phong Điền có thể đề ra định hướng phát triển du lịch gắn với việc xây dựng xã nông thôn mới thông qua những mô hình cụ thể, hiệu quả sẽ cao hơn.
 
Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, đơn vị đã có hơn 20 năm làm du lịch tại Phong Điền, chia sẻ: “Khách đến Làng du lịch Mỹ Khánh hằng năm đều tăng, một phần do chúng tôi không ngừng mở rộng về quy mô, đầu tư thêm các dịch vụ. Từ kinh nghiệm của đơn vị, tôi cho rằng địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà vườn làm du lịch vay vốn để mở rộng, nâng chất dịch vụ. Địa phương cũng nên quan tâm tăng cường xây dựng giao thông công cộng nối đến các điểm du lịch”. Ông Đặng Văn Nhẫn, chủ Khu du lịch Lung Tràm, cho rằng việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân miền Tây sông nước là điều nên làm, để tạo nét hấp dẫn riêng. Ông Nhẫn chia sẻ, tại Nhơn Ái, Phong Điền, địa phương cũng đang khuyến khích người dân làm du lịch bằng những mảnh vườn, ao nuôi “cây nhà lá vườn” mộc mạc như tính cách người dân bản địa. Hiện Khu du lịch Lung Tràm cũng có những mô hình như thế và nhận phản hồi tích cực từ du khách. Ông Đặng Văn Nhẫn đề xuất: “Tìm về ký ức xưa với những phong tục tập quán miền quê là sản phẩm du lịch cộng đồng có thể hút khách. Với những nông dân làm du lịch như chúng tôi, rất cần sự đồng hành chia sẻ từ chính quyền, để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn xây dựng nhiều mô hình mới, phát huy du lịch sinh thái cộng đồng”.
 
Ở góc độ lữ hành, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm điều hành du lịch, Công ty TNHH MTV Du lịch Hàm Luông, nói: “Phong Điền đã xây dựng những sản phẩm du lịch có bản sắc. Điều mà các nhà vườn, cũng như địa phương cần quan tâm là tạo thêm sự tương tác với du khách để tăng tính trải nghiệm, giúp du khách hiểu hơn về văn hóa địa phương. Với những tiềm năng và điều kiện tự nhiên Phong Điền đang có, tôi cho rằng địa phương nên nghĩ đến việc xây dựng mô hình Farmstay - sản phẩm mở rộng để du khách trải nghiệm đúng chất văn hóa làng quê Phong Điền”.
 
Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền ghi nhận những đóng góp của các đại biểu và khẳng định địa phương sẽ luôn lắng nghe, chọn lọc các giải pháp phù hợp với tiềm năng của Phong Điền, từng bước phát triển du lịch theo đúng định hướng: du lịch xanh, du lịch bền vững gắn với phát triển đô thị sinh thái.
 
ÁI LAM  
TIN LIÊN QUAN