Ẩm thực dân gian truyền thống của một quốc gia cũng là một kênh hội nhập. Ở Cần Thơ, nhiều người chọn ẩm thực dân gian để khởi nghiệp và thành công, nét văn hóa ẩm thực cũng nhờ đó mà vang xa, góp phần khẳng định bản sắc của Cần Thơ - nơi hội tụ và lan tỏa.
Khởi nghiệp từ… chái bếp
Hơn 3 năm trước, Trần Hải Âu, chàng trai quê Chợ Gạo- Tiền Giang là kỹ sư cho một tập đoàn kinh tế danh tiếng ở An Giang. Nhưng rồi anh quyết định nghỉ việc, về quê gắn bó với chái bếp, chăm chỉ làm bánh, pha chế nước chấm; làm mới ly nước mía Mỹ Tho vốn đã khác lạ bởi có thêm đậu phộng rang muối, trái cây, rau câu… Vậy rồi Hải Âu mở một quán ăn vặt ở Cần Thơ với tên gọi "Nước mía Mỹ Tho 68", gây ngạc nhiên cho nhiều người. Cách uống nước mía lạ lẫm, vừa uống vừa ăn, của xứ Mỹ Tho lần đầu tiên có mặt trên đất Tây Đô nhanh chóng chiếm cảm tình của khách. Quán kèm thêm những món ăn mang "thương hiệu nhà quê" như chuối già, khoai mì kè luộc chấm kho quẹt, bánh nắn lá mơ… "Đó là những món ăn suốt tuổi thơ tôi, từ bàn tay của bà ngoại, của mẹ trong chái bếp quê nhà"- Hải Âu chia sẻ. Để có được những món ăn dân dã mà vẫn "chất" với giới trẻ, Hải Âu phải mày mò tìm công thức, cách tân nguyên liệu, trưng bày…
Huỳnh Ngọc Diệp (trái) giới thiệu khách nước ngoài món pizza hủ tiếu. Ảnh: DUY KHÔI
Chuyện khởi nghiệp của 3 chị em cô Phan Thị Danh (Ba Danh) với thương hiệu Bánh bèo Chung cư khiến nhiều người ấn tượng bởi cô đã 68 tuổi và 2 người em cô cũng đều là cán bộ về hưu. Thương hiệu này do mẹ của cô Ba xây dựng nên, từ hơn 40 năm trước, tại chung cư Ngô Hữu Hạnh, nơi mẹ cô Ba khơi nguồn cho một món ngon. Nhiều năm qua, chị em cô Ba Danh có lúc bán, lúc nghỉ vì bận công việc nhưng khách thì luôn nhớ mãi bánh bèo chung cư. Cô Ba cười, quán mở lại hồi trước Tết, phần vì nhớ nghề của người mẹ quá cố, phần cũng do khách nhắc nhiều. Nhiều người bạn thời học chung trường Đoàn Thị Điểm, Phan Thanh Giản, những Việt kiều quê Cần Thơ… gặp cô lại nói muốn ăn bánh bèo chung cư. Vậy là 3 chị em mái đầu đã bạc quyết định khởi nghiệp bằng món gia truyền. Bí quyết cho một chiếc bánh mềm nhưng dai, nhưn bánh vừa miệng, nước chấm hòa quyện với bánh… đã cuốn hút được thực khách. Cô Ngô Tuyết Nga, 74 tuổi ở quận Ninh Kiều, nói: "40 năm trước cô đã ăn bánh bèo chung cư. Giờ ăn lại vẫn thấy ngon, thấy nhớ".
Tìm kiếm những người khởi nghiệp bằng ẩm thực dân gian, tôi còn được biết chuyện 3 chị em Vân Hồng- Thu Hồng- Hồng Quân với thương hiệu Thế giới ăn vặt- Thým Tư Cần Thơ. Chị Vân Hồng là người Cần Thơ nhưng có 20 năm sống ở Huế, am hiểu ẩm thực Huế nên chị có ý tưởng mang chút gì "rất Huế" cho ẩm thực Cần Thơ, vậy là Thým Tư Cần Thơ ra đời. Đặc sản của quán như chè Huế, bánh bột lọc Huế… đều được lấy nguyên, phụ liệu từ Huế, chế biến theo cách của người Huế. Chị Thu Hồng nói: "Từng kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhưng việc kinh doanh ẩm thực dân gian mang lại cho tôi nhiều niềm vui. Có những vị khách thích thú với món ngon của quán, có những vị khách dần trở thành bạn… từ quán nhỏ này".
Ở Cần Thơ, còn nhiều người khởi nghiệp và thành công khi xây dựng thương hiệu ẩm thực dân gian cho riêng mình. Đó là Huỳnh Ngọc Diệp (Ninh Kiều) với Pizza hủ tiếu, Lê Thị Bé Bảy (Bình Thủy) với bánh phu thê từng đoạt giải ở nhiều cuộc thi, Trần Thiện Cảnh (Phong Điền) với bánh hỏi mặt võng… Sự tâm huyết, trân quý giá trị truyền thống đó đã giúp văn hóa Cần Thơ thêm nhiều màu sắc và chính họ đã tự tạo cơ hội thăng tiến, thành công cho bản thân.
Hơn cả món ngon
Quán Nước mía Mỹ Tho 68 của Trần Hải Âu ở đường Mạc Thiên Tích (quận Ninh Kiều) chiều nào cũng vậy, khách chật kín không còn chỗ ngồi. Khách đa phần là sinh viên, thích thú gọi những món ăn dân dã, lạ lẫm. Nhiều người thưởng thức thấy lạ, thấy thích rồi cuối cùng là thấy thèm- đó là hành trình chinh phục thực khách của Hải Âu. Để có những món bánh đó không dễ, ví như để có lá mơ để làm bánh nắn, anh đã phải tìm trong những bãi đất trống, vườn hoang; khoai mì kè phải lặn lội tới Hậu Giang để mua… Trả lời câu hỏi của tôi về việc có lo lắng không khi quán ăn ẩm thực dân gian ngày càng nở rộ ở Cần Thơ, Hải Âu đáp ngay: "Ngược lại, tôi rất mừng, rất vui vì giá trị truyền thống đã trở lại. Nói thật, tôi là người thích điều xưa cũ. Tôi không đả phá những món ăn kiểu mì cay, xoài lắc… nhưng tôi vui khi nhiều món ngon Nam bộ được bày bán". 3 năm trải nghiệm việc kinh doanh, Hải Âu cho rằng, Cần Thơ có nhiều món ngon dân gian nhưng chưa khai thác, quảng bá hết để níu chân khách du lịch.
"Các bạn nghĩ xem, buồn hay vui khi hiện tại rất nhiều món ăn ngon của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... đua nhau mở ra rầm rộ, còn món Việt thì lóc cóc lon con... Nên có quán mở thêm là tin vui ấy chứ. Các bạn nghĩ xem, 10 năm sau con bạn còn biết "bánh nắn lá mơ" nữa không khi không còn ai quan tâm tới nó... Một mình mình thì không đủ sức để làm nhiều món, nên nhiều nơi mở ra sẽ giúp lưu trữ những nét đẹp bánh dân gian".Trần Hải Âu, chủ quán Nước mía Mỹ Tho 68
Món chè nia của quán Thým Tư Cần Thơ thu hút khách với cách trang trí bắt mắt. Ảnh: H.Quân
Còn với Huỳnh Ngọc Diệp, chủ nhân món Pizza hủ tiếu, điều làm anh vui nhất là đến thế hệ thứ 3 giữ nghề là anh, sợi hủ tiếu quê hương đã đi xa hơn. Khách nước ngoài mỗi ngày đến tham quan và mua sản phẩm có đến vài chục, thậm chí vài trăm, thích thú với món ăn đậm chất Việt nhưng cũng phảng phất chất Tây, đến để xem tài nghệ của người Cần Thơ. Diệp kể, vui nhất là nhiều khách nước ngoài sau khi về nước còn gửi thư qua facebook, email chia sẻ ấn tượng về Pizza hủ tiếu; nhiều vị khách Pháp cứ hễ du lịch Cần Thơ là ghé tìm Diệp. Một sự đồng cảm và kết thân qua món ngon mùi nhớ.
Ngẫm lại, ẩm thực Cần Thơ quả là vô cùng phong phú, nếu khai thác tốt hẳn sẽ trở thành nguồn lực du lịch, thúc đẩy hội nhập văn hóa, kinh tế cho thành phố. Hơn cả một món ngon, văn hóa ẩm thực chính là điều du khách thấy nhớ, thấy thương khi đến với Cần Thơ. Thử một lần về với Cồn Sơn (Bình Thủy) xem hàng chục du khách nước ngoài say sưa cùng cô Tư, thiếm Bảy, đổ bánh bông lan, nướng bánh kẹp, nhẩn nha miếng mứt chuối, mứt gừng. Dù không hiểu nhau qua ngôn ngữ nhưng vị ngọt quê hương đã mang họ đến gần nhau hơn.
Một kiểu hội nhập khác cũng đang tỏ ra hiệu quả là các hàng quán này đều dùng mạng xã hội quảng bá và kinh doanh. Ngồi với chị Thu Hồng, chủ quán Thým Tư Cần Thơ, mà fanpage của quán cứ có bình luận (comment) đặt hàng liên tục, điện thoại cũng đổ chuông của khách, đặt bánh, hỏi đường… "Thým Tư Cần Thơ" giờ là từ khóa thông dụng của nhiều giới trẻ. Chị Thu Hồng cho biết, lượng hàng bán qua mạng của quán khá nhiều, do được giao tận nơi nên tạo tiện lợi cho khách. Từ món quê trong chái bếp nay trở thành mặt hàng quảng bá và được bán bằng phương tiện công nghệ, đó là bước tiến dài của ẩm thực dân gian. Nói như ngôn ngữ giới trẻ, đó là những món "hót", "ăn là ghiền", "ô mê ly"… mà phải "săn" trên mạng.
Nguồn: Đăng Huỳnh - http://www.baocantho.com.vn