Bánh bột đậu Phong Lan và hành trình vươn xa
     
Hơn 10 năm qua, bánh bột đậu Phong Lan đã trở thành thương hiệu quen thuộc ở các tỉnh ĐBSCL và gần đây còn xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Thành công đó đến từ sự nỗ lực không ngừng của người phụ nữ chịu thương chịu khó ở khu vực 10, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn: bà Phan Nguyệt Ảnh.
 
 
Bà Phan Nguyệt Ảnh kiểm tra khâu đóng gói sản phẩm bánh bột đậu. Ảnh: CÁT ĐẰNG
 
Mấy mươi năm trước, nối tiếp nghề làm bánh của mẹ, bà Phan Nguyệt Ảnh thức khuya dậy sớm buôn gánh bán bưng với các loại bánh dân gian. Bánh ngon, giá cả hợp lý nên từ chỗ bán nhỏ lẻ, bà được nhiều người đặt hàng và có mối tiêu thụ ổn định. Dần dà, bà có sạp bánh ngoài chợ và nhận đặt bánh cho các đám tiệc. Kinh tế gia đình cũng ổn định hơn.
 
Năm 2005, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao, đơn đặt hàng ngày càng nhiều mà nếu vẫn làm theo cách cũ, bà khó lòng đáp ứng được. Cũng thời điểm này, các con lần lượt vào đại học, bài toán kinh tế gia đình ngày càng nan giải hơn. Sau nhiều trăn trở, bà Nguyệt Ảnh quyết định mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư để trở thành doanh nghiệp tư nhân. “Lúc đó, có bao nhiêu vốn liếng dành dụm, tôi dốc hết vào đầu tư. Từ lò nướng bánh nhỏ thông thường bằng điện, tôi chuyển sang lò nướng lớn bằng gas và mua thêm nhiều thiết bị mới, thuê mặt bằng làm cơ sở sản xuất, tuyển thêm 10 nhân công, đăng ký sản xuất kinh doanh… Cũng may, mọi việc thuận buồm xuôi gió” – bà Ảnh bộc bạch.
 
Cơ sở sản xuất bánh bột đậu Phong Lan có 2 loại bánh chủ lực là bánh bột đậu và bánh quai vạc, được đóng gói, vào hộp với bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng. Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất thêm bánh su kem, bánh bông lan, mứt mãng cầu, kẹo mãng cầu… Bà luôn tâm niệm: dù làm nhiều hay ít, dù bánh chủ lực hay bánh phụ thì khách hàng đến với bà bởi cung cách trọng chữ tín và chất lượng, nên không thể vì lời lỗ mà làm ăn gian dối, phụ lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, bà còn đầu tư thêm một số máy móc hiện đại để tiết kiệm nhân công, nâng cao năng suất… Nhờ vậy, cơ sở của bà trụ vững trong ngành sản xuất bánh kẹo nhiều cạnh tranh hiện nay. Bà Nguyệt Ảnh cho biết: “Ngoài cung cấp cho thị trường ĐBSCL, cơ sở của tôi còn nhận gia công bánh bột đậu cho một công ty ở TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu ra nước ngoài”.
 
Dù là chủ nhưng bà Nguyệt Ảnh không “chỉ tay năm ngón”, mà xông xáo, sâu sát trong các khâu sản xuất, tiêu thụ. Khi hàng nhiều, bà cũng tham gia khâu sản xuất cùng công nhân. Sự thân thiện, gần gũi của bà cũng tạo sự đoàn kết, tác động tích cực đến tinh thần và hiệu quả làm việc của công nhân. Điều làm vợ chồng bà vui nhất chính là 3 người con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. 2 con gái tốt nghiệp đại học và có nghề nghiệp ổn định, còn con trai út nối nghiệp gia đình với nghề làm bánh, phụ tiếp bà trông coi cơ sở.
 
Mỗi năm, gia đình bà Ảnh đều tổ chức tặng 600kg gạo và các nhu yếu phẩm: mì, nước tương, đường, bột ngọt, dầu ăn… cho những người nghèo, khó khăn trong và ngoài khu vực. Đồng thời, tích cực ủng hộ cho các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương: làm cầu, đường, nhà tình thương, giúp người nghèo…
 
Là doanh nhân nhưng bà Nguyệt Ảnh vẫn nuôi dưỡng niềm yêu thích thơ văn, đã được xuất bản một số tập thơ in chung và riêng. Trong đó, có những sáng tác đã được các nhạc sĩ phổ thành tân nhạc hoặc cổ nhạc và đoạt giải trong một số hội thi. Nhiều năm qua, bà là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ văn quận Ô Môn, hội viên Hội nhà văn TP Cần Thơ, góp phần phát triển hoạt động nghệ thuật của địa phương.
 
* * *
 
 Tại lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 6 – năm 2017, bà Phan Nguyệt Ảnh tham gia hội thi làm bánh dân gian và đoạt huy chương bạc với sản phẩm bánh quai vạc. Năm nay, bà sẽ tiếp tục tham gia hội thi với sản phẩm bánh bột đậu, loại bánh gắn bó với bà từ thuở vào nghề cho đến lúc thành danh. “Mình tham gia vì muốn góp phần quảng bá bánh dân gian Nam bộ đến du khách gần xa. Đặc biệt, bánh dân gian giờ không phải chỉ để ăn chơi mà còn để làm quà, một món quà ý nghĩa và đậm đà hương vị quê nhà” – bà Ảnh chia sẻ.
 
Nguồn: CÁT ĐẰNG - http://baocantho.com.vn      
TIN LIÊN QUAN