Đã tồn tại hơn 200 năm tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, làng nghề truyền thống bánh tráng Thuận Hưng với hơn 500 lò làm bánh tráng vẫn ngày đêm “đỏ lửa” mà không đủ bánh cung cấp cho thị trường.
Nghề làm bánh tráng ở đây hình thành từ thời xưa, nổi tiếng với chiếc bánh dẻo thơm, mịn đều. Thuở đầu chỉ có vài hộ làm để ăn dịp Tết. Dần dà, nhiều người biết tiếng đến đặt hàng, các lò bánh mới mọc lên nhiều và phát triển mạnh như hiện nay.
Người làm bánh chọn gạo của vùng Thốt Nốt, không được chọn loại mới thu hoạch hoặc để quá lâu ngày, có như vậy bánh tráng mới thơm ngon, không quá dai cũng không bở và để được lâu. Sau đó, gạo được ngâm rồi đem xay thành bột, lọc bỏ phần nước chua rồi pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không đặc quá. Nêm thêm chút muối, vị bánh sẽ đậm đà hơn. Về phần lò tráng bánh có cấu tạo gồm 3 phần, phần để đưa củi, nhóm lửa, phần là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối là ống khói.
Công đoạn tráng bánh cũng rất công phu, lửa chỉ được để lửa liu riu, tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng đều và khi lấy bánh sẽ không bị nát. Ngoài ra, nghề làm bánh tráng rất phụ thuộc vào thời tiết, thợ tráng bánh phải xem trời mai nắng hay mưa để tráng bánh sớm, rồi đem phơi bánh ngay khi nắng vừa lên. Phơi bánh, gỡ bánh cũng không phải chuyện dễ, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc để có chiếc bánh còn nguyên vẹn, không cong vênh. Tiếp đến, xếp bánh thành từng chục rồi dằn cho bằng mặt trước khi giao hàng.
Các sản phẩm tiêu biểu của làng nghề có bánh mặn, bánh lạt, bánh nem và bánh dừa. Bánh mặn là bánh để nhiều muối, dẻo và giữ được lâu hơn so với bánh lạt. Bánh lạt là loại bánh để nhúng nước cuốn cá nướng, rau sống, rau củ xào chấm với nước mắm chua chua ngọt. Bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước cốt dừa và mè.
Hiện nay, Thuận Hưng không chỉ là làng nghề mà còn là điểm tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ngọc Bích