Nghề đóng xuồng truyền thống
     
TP Cần Thơ với hệ thống sông ngòi chằng chịt, văn hóa gắn liền với văn minh sông nước miệt vườn, hình ảnh Chợ Nổi Cái Răng với ghe xuồng tấp nập trên sông mang một đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Và không ít những chiếc xuồng đó được tạo ra qua bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của chú Bùi Văn Sang, 66 tuổi, ở khu vực Tân Qưới, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.
 
Chú Bùi Văn Sang bên trại xuồng của mình
 
Gần 40 năm theo nghề đóng xuồng, chú Sang không nhớ nỗi Trại xuồng “Ba Sang” của mình đã đóng bao nhiêu chiếc xuồng để giúp bà con có phương tiện đi lại dễ dàng trên những dòng sông. Không chỉ để mưu sinh, nghề đóng xuồng còn là niềm đam mê của chú.
 
Cũng như bao nghề thủ công khác, nghề đóng xuồng đòi hỏi tay nghề cao, sự khéo léo, cũng như kỹ thuật riêng, để tạo nên những chiếc xuồng vừa đẹp, vừa chắc, vừa cân bằng tuyệt đối. Để hoàn thiện một chiếc xuồng, người thợ phải trải qua các công đoạn như: cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn,…trong đó khâu ráp cong sẽ quyết định đến chất lượng chiếc xuồng. Chú Sang chia sẻ: “Dàn cong nó quyết định hình dáng chiếc xuồng. Nếu lọng dàn cong đẹp thì chiếc xuồng sẽ đẹp và ngược lại. Để lọng cong thì cơ sở tôi có rập cong. Yếu tố quyết định chất lượng chiếc xuồng là cong phải dầy và đều, thông thường mỗi chiếc xuồng ở cơ sở tôi đóng có từ 14 đến 16 cong tùy kích thước, vì vậy có thể chở nhiều hơn xuồng khác từ 40 đến 50 kg”.
 
Đối với người dân vùng sông nước thì chiếc xuồng không thể thiếu trong cuộc sống của họ, đặc biệt là trong những tháng mùa nước nổi. Năm nay, nước lũ về sớm và cao hơn mọi năm nên lượng cá, tép cũng nhiều hơn. Điều này giúp cho nhiều bà con tranh thủ thời gian nông nhàn để giăng lưới kiếm thêm thu nhập. Anh Huỳnh Văn Xế, ở phường Thới Thuận quận Thốt Nốt, cũng tranh thủ xuống trại xuồng của chú Sang để mua một chiếc làm phương tiên giăng lưới và chất lượng xuồng ở đây đã thuyết phục được anh trong suốt hơn 10 năm qua. Anh Xế nói rõ hơn: “Ở đây bán uy tín hàng chục năm rồi, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo bằng gỗ sao vườn chứ không pha gỗ tạp, từ đó tôi mới đặt lòng tin và mua tại cơ sở này từ nhiều năm nay. Ngoài ra, hình dáng chiếc xuồng ở đây cũng phù hợp với xứ mình”.
 
Mùa đóng xuồng cao điểm nhất là từ tháng 4 Âm lịch đến khoảng rằm tháng 5 trở đi. Và khoảng cuối tháng 8 Âm lịch, nhịp độ đóng xuồng chậm lại. Ngay từ tháng 2, tháng 3 Âm lịch, chú Sang đã tranh thủ mua cây và vật liệu sẵn. Để chiếc xuồng sử dụng được 3 đến 4 năm, trại xuồng của chú chỉ sử dụng một loại gỗ duy nhất, đó là sao vườn, chứ không pha thêm bất cứ loại gỗ tạp nào khác.
 
Trước đây, tại khu vực Tân Qưới, phường Tân Hưng có khoảng 7 hộ làm nghề đóng xuồng, nhưng những năm gần đây, do mực nước lũ thấp, lượng xuồng tiêu thụ ngày càng ít đi nên hiện nay chỉ còn lại một mình chú theo đuổi với nghề.
 
Chú Sang kể: thời kỳ hưng thịnh vào những năm 1990, mỗi năm cơ sở của chú bán được hơn một ngàn chiếc. Tuy nhiên, những năm sau đó, lượng tiêu thụ ngày càng giảm đi, mỗi năm chỉ khoảng 200 chiếc. Năm nay, lũ lớn, lượng xuồng tiêu thụ có khởi sắc hơn, với khoảng 300 chiếc, với giá dao động từ 1 triệu đến 1 triệu 200 ngàn đồng mỗi chiếc, tùy kích thước 1m hoặc 1,2m, tăng hơn 200 ngàn đồng mỗi chiếc so với năm ngoái. Và điều này cũng là động lực để chú quyết theo đuổi nghề truyền thống này. “Cái nghề mình yêu rồi nên không bỏ được, tại vì mùa khô hay mùa nước cũng đều bán được, do nhu cầu vận chuyển trái cây, rau cải hay thủy sản của bà con tại địa phương mà nghề này tồn tại. Mặt khác, nghề này mang lại thu nhập ổn định, không lời nhiều nhưng tuyệt đối không lỗ, tại vì mặt hàng này không bị hư, nếu bán không chạy thì vài tháng sau mình vẫn bán được”. Chú Sang bộc bạch.
 
Nếu bạn có dịp về Thơm Rơm vào một ngày đẹp trời mùa nước nổi, nhớ ghé thăm Trại xuồng “Ba Sang”. Sau đó, nếu còn thời gian, bạn có thể kết hợp tham quan làng nghề đan lưới Thơm Rơm để tìm hiểu về những công đoạn tạo ra ngư cụ đánh bắt cá này.
 
Đối với người dân Nam Bộ, chiếc xuồng gắn liền với cuộc sống thường ngày của họ. Trải qua nhiều thăng trầm, sự đào thải của xã hội, nghề đóng xuồng dần mai một. Tuy nhiên, với việc theo đuổi nghề đóng xuồng truyền thống, chú Ba Sang đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương và của vùng đất Tây Nam Bộ.
 
Quốc Trấn
TIN LIÊN QUAN