Thốt Nốt phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề
     
Cách trung tâm TP Cần Thơ hơn 40km, Thốt Nốt thu hút du khách với những vườn cây trĩu quả, làng nghề lâu đời cùng nếp sống thân tình, mộc mạc của người dân bản địa. Lợi thế phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề của Thốt Nốt đã góp thêm một sản phẩm du lịch đặc trưng của Cần Thơ.
 
Tiềm năng du lịch
 
Bà Hà Thị Sáu (ảnh, trái) hướng dẫn du khách một công đoạn làm bánh.
 
Du khách bơi ghe tại vườn dừa trên cù lao Tân Lộc.
 
Nổi tiếng với những làng nghề: lưới Thơm Rơm, bánh tráng Thuận Hưng, xóm thúng Thuận An… Thốt Nốt trở hành điểm đến không thể bỏ qua với nhiều du khách yêu thích loại hình du lịch văn hóa và lối sống bản địa.
Làng lưới Thơm Rơm (nằm dọc quốc lộ 91, bên cầu Thơm Rơm) hình thành từ những năm 1980, do những người dân di cư từ miền Trung (chủ yếu là tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Nam lập nghiệp. Đến đây, du khách không chỉ trải nghiệm quy trình làm lưới mà còn nghe các cụ cao niên kể sự hình thành của làng nghề. Hiện làng có trên 20 cơ sở sản xuất chính và hơn 300 cơ sở gia công; cung cấp lưới cho các tỉnh thành ĐBSCL, xuất sang Campuchia. Anh Lê Hữu Quý- Cơ sở Hữu Tý (khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng), có hơn 30 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: "Các đoàn khách ghé qua đây đều thích nghe các công đoạn làm lưới, công dụng của từng loại sản phẩm".
 
Trong khi đó, làng bánh tráng Thuận Hưng hút khách bởi liếp bánh được phơi thẳng tắp, bánh trắng mịn, mỏng tang, tròn đều của những người thợ khéo tay. Bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng vì bí quyết chế biến được truyền qua bao thế hệ. Người thợ phải tỉ mỉ, chịu khó và khéo léo mới làm nên những chiếc bánh dẻo, đều tay và ngon. Theo các bậc cao niên, những lò bánh tráng ở đây có lịch sử gần 2 thế kỷ và phát triển mạnh kể từ năm 2000. Hiện làng bánh tráng Thuận Hưng có khoảng 70 hộ hoạt động thường xuyên, 35 hộ sản xuất theo thời vụ dịp Tết Nguyên đán. Đến đây, du khách có thể tham gia xay bột, tráng bánh, phơi bánh. Bà Hà Thị Sáu (khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng), cho biết: "Nghề này cực nhưng vui, có ngày tôi làm cả hai thiên bánh (mỗi thiên 1.000 cái). Khách đã chịu khó tìm đến nơi, tôi cũng không ngại chia sẻ bí quyết".
 
Song song về thế mạnh làng nghề, Thốt Nốt còn có những hệ sinh thái phong phú, thích hợp phát triển du lịch sinh thái miệt vườn sông nước.
 
Một trong những điểm được nhiều người biết đến, đó là vườn cò Bằng Lăng (phường Thuận An, quận Thốt Nốt), được xem là một trong những sân chim lớn nhất ĐBSCL. Vườn cò Bằng Lăng thu hút hàng chục ngàn cá thể chim, cò sinh sống: cò ruồi, cò quắm, cò cá, cò sen, cò ma, cò rằn, cò xanh, cò bông, cò đúm, cò lép, cò ngà, cò xanh; cồng cộc, diệc, điêng điểng, bồ nông, bìm bịp, cốc, bạc má… Ông Nguyễn Ngọc Thuyền- chủ vườn cò Bằng Lăng, cho biết: "Ban đầu, ít người biết đến chỗ này, thi thoảng chỉ có vài khách ghé, xin vào xem cò. Năm 1997, vườn cò đi vào phục vụ du lịch, đường giao thông đã dễ dàng và nhiều người chuyền tai nhau. Lạ ở chỗ, khách càng đông, cò về ngày càng nhiều, đến nay số lượng đã gấp 5 lần trước kia". Theo ông Ngọc Thuyền, trung bình mỗi ngày nơi đây đón khoảng 50 khách, chủ yếu là khách quốc tế, mùa cao điểm từ tháng 12, có đến mấy trăm khách mỗi ngày.
 
Thốt Nốt còn có "đảo ngọt" cù lao Tân Lộc, thu hút du khách bằng những vườn cây trĩu quả: mận, ổi, mít, xoài, mãng cầu, cam xoàn… Các nhà vườn Sáu Tia, cô Điệp, Sáu Thế… thu hút du khách bởi vườn cây xanh mướt, trái cây sạch, ngọt lành. Sau một vòng khám phá các vườn cây, du khách có thể dừng chân tại vườn dừa độc đáo của ông Lê Tấn Nhường (khu vực Trường Thọ 2, phường Tân Lộc). Vườn có diện tích 7,5 công, với 550 gốc dừa xiêm, dừa lửa, dừa dứa. Đến vườn, khách như lạc vào xứ dừa Bến Tre với những cây dừa thẳng tắp, nghiêng mình bên dòng kênh; sau đó mắc võng tận hưởng không gian trong lành, thưởng thức những trái dừa ngọt lịm, hay bơi ghe dạo quanh ngắm cảnh, chụp ảnh. Cù lao Tân Lộc còn có nhiều nhà cổ độc đáo, làng bè ôm dọc thân cồn.
 
Kỳ vọng gì cho du lịch Thốt Nốt?
 
Có nhiều lợi thế, nhưng Thốt Nốt đang gặp khó khăn trong phát triển du lịch, nhất là trong xây dựng sản phẩm và kết nối tour tuyến với các đơn vị lữ hành. Nguyên nhân một phần do hạn chế về hạ tầng, hệ thống giao thông. Lại thêm sản phẩm còn đơn điệu, chưa xây dựng nhiều tour trải nghiệm. Trong đó, khó khăn lớn nhất là các làng nghề truyền thống không còn nhộn nhịp như trước bởi những đổi thay của cuộc sống hiện đại.
 
Vườn cò Bằng lăng
 
Chính vì thế, sau thời gian dài gầy dựng lại sản phẩm, Phòng Văn hóa- Thông tin (VHTT) quận Thốt Nốt phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức đoàn Famtrip với trên 30 đơn vị lữ hành, khảo sát và đánh giá lại tiềm năng, sản phẩm du lịch Thốt Nốt (vào cuối tháng 5 vừa qua). Tham gia đoàn, bà Hồ Thị Diệu Hiền _ Phó Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: "Tôi nghĩ những điểm vườn cò Bằng Lăng, cù lao Tân Lộc, các làng nghề có thể khai thác và thu hút khách. Trước đây, chúng tôi đã từng đưa vườn cò vào tour chào bán nhưng do giao thông không thuận lợi nên đã cắt khỏi chương trình. Hiện giao thông ở đây đã cải thiện, đơn vị sẽ cân nhắc để đưa vào tour. Các vườn cây ở Tân Lộc cũng khá hấp dẫn, tuy nhiên để nơi đây có thể phát triển du lịch, Thốt Nốt nên đầu tư các phương tiện giao thông phù hợp di chuyển trên đất cù lao". Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phòng kinh doanh và điều hành, DHG Travel, nói: "Tôi cho rằng hai điểm có thể đưa vào tour tuyến là vườn cò Bằng Lăng và cù lao Tân Lộc, bởi sự độc đáo và khác biệt. Để sản phẩm hoàn thiện hơn, Thốt Nốt nên đầu tư hệ thống xe điện ở hai điểm này, để đảm bảo an toàn cho du khách, lại thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các nhà vườn trên cù lao Tân Lộc nên khai thác ẩm thực từ các loại trái cây, tạo nên nét lạ, hấp dẫn du khách".
 
Ở góc độ địa phương, anh Lê Hữu Quý- chủ cơ sở Hữu Tý, cho biết: "Cơ sở vốn sản xuất và buôn bán. Việc đón khách, phục vụ du lịch, tôi chỉ mới nghĩ đến gần đây và đang được địa phương hướng dẫn. Trước mắt, trong 7-8 công đoạn làm lưới, tôi sẽ chọn vài công đoạn để du khách trải nghiệm". Trong khi đó, bà Hà Thị Sáu (khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng) nói: "Tôi gắn bó nghề làm bánh tráng hơn 30 năm, cũng theo thị hiếu của khách mà thay đổi, như làm thêm bánh ngọt. Mừng là đoàn đến khảo sát giúp tôi hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp nhu cầu du khách. Nhờ có khách du lịch tôi có thêm động lực giữ nghề". Còn ông Nguyễn Ngọc Thuyền- chủ vườn cò Bằng Lăng, nói: "Vườn cò hiện đã quá tải, cò về mỗi ngày thêm nhiều, nên tôi cũng muốn lên đất ruộng trồng cây thêm cho cò sinh sống. Tuy nhiên, khách đến đây ngắm cò rồi về- thật sự đơn điệu. Tôi cũng muốn bổ sung thêm các dịch vụ cho du khách, nhưng cần sự đầu tư".
 
Bà Trần Quỳnh Anh- Trưởng phòng VHTT quận Thốt Nốt, cho biết: "Từ đánh giá của các đơn vị lữ hành trong khảo sát lần này, quận sẽ khắc phục, xây dựng sản phẩm hoàn thiện hơn, nhất là ở các điểm vườn, làng nghề. Riêng về hệ thống giao thông, đầu tư phương tiện thì phòng sẽ tham mưu UBND quận để có những định hướng cụ thể trong thời gian tới". Bà Quỳnh Anh cũng cho biết thêm, quận Thốt Nốt đang xây dựng đề án phát triển du lịch theo hướng du lịch đô thị miệt vườn, tập trung các làng nghề. Cùng với làng lưới Thơm Rơm, làng bánh tráng Thuận Hưng, thời gian tới địa phương sẽ phát triển thêm một số sản phẩm làng nghề: mô hình trồng rau sạch ở Trung Kiên, làng khô lóc ở Thuận Hòa, đan đát, bánh dân gian ở phường Thốt Nốt. Từ đó, Thốt Nốt sẽ có những sản phẩm du lịch miệt vườn sông nước, làng nghề, vườn trái cây, làng bè. 
 
Nguồn: Ái Lam - http://www.baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN