Vùng đất Phong Điền được các bậc tiền nhân khai phá khá sớm và được mệnh danh là cái nôi của văn minh miệt vườn phía bờ Tây sông Hậu, với những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm như cam, quýt, bưởi, sầu riêng, dâu, măng cụt…. Đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, với những tên tuổi đã đi vào sử sách, tiêu biểu là Cử nhân Phan Văn Trị, một nhà nho đã suốt đời lấy thơ ca làm vũ khí đấu tranh cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc.
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 16 km đi theo con đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đến chân cầu Trà Niềng thuộc huyện Phong Điền, rẽ vào con đường nhựa dọc theo Rạch Trà Niềng để đến khu Di tích lịch sử Mộ Nhà thơ Phan Văn Trị. Với diện tích rộng 2.060m2 gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, phần Mộ, quyển sách, và các bia đá (ghi lại những câu thơ nổi tiếng của ông) ao sen, cây kiểng, nhà chờ…., khu Di tích Mô Phan Văn Trị đã trở thành điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống, giao lưu văn hóa của người dân địa phương cũng như du khách.
Tại đây, hàng năm vào ngày giỗ Cụ Cử (ngày 22 tháng 6 dương lịch), chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng tổ chức lễ tưởng niệm rất trang trọng với chương trình nghệ thuật, thi vẽ tranh "Nét cọ tuổi thơ", triễn lãm sách, trình diễn nghệ thuật thư pháp, trưng bày giới thiệu sản phẩm quà lưu niệm…. Đối với người dân khu vực cũng như người dân Cần Thơ, ngày giỗ Phan Văn Trị đã trở thành ngày hội hàng năm. Năm 1991, Di tích Mộ Phan Văn Trị đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị sinh năm 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh nay là huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre trong gia đình nho giáo trọng đạo lý, giàu truyền thống yêu nước. Năm 1849 ông đỗ cử nhân nhưng ông không ra làm quan, do sớm nhận thấy sự bất công của xã hội đương thời. Năm 1868, ông về làng Nhơn Ái, Phong Điền thuộc tỉnh Cần Thơ, gắn bó với nơi này và xem Phong Điền như quê hương thứ hai của mình. Ông vui sống với nghề dạy học, thơ phú và bốc thuốc cho bà con quanh vùng. Thơ Phan Văn Trị thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương dân, ca ngợi nghĩa khí của những sĩ phu yêu nước, vẻ đẹp quê hương đất nước...
Ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (ngày 22 tháng 6 năm 1910), ông qua đời trong ngôi nhà lá đơn sơ mà nay đã được tôn tạo trở thành khu di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ Phan Văn Trị (tọa lạc tại ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ).
Ngân Giang - TTPTDL