Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu điểm đến đóng vai trò quan trọng trong thu hút du khách và tạo bản sắc du lịch TP Cần Thơ. Thời gian qua, ngành Du lịch thành phố đã không ngừng xây dựng, làm mới nhằm định vị điểm đến, cũng như các sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thay đổi diện mạo ngành công nghiệp không khói của Cần Thơ.
Điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại chợ nổi Cái Răng.
Định vị bằng tài nguyên văn hóa du lịch bản địa
Cần Thơ đang phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó xác định thế mạnh là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) và du lịch sông nước. Trong Ðề án Phát triển sản phẩm đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030, xác định rõ MICE và du lịch sông nước là sản phẩm chính, bên cạnh các loại hình bổ trợ là: du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa. Với các định hướng này, Cần Thơ đang tập trung nhiều nguồn lực để tạo hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước. Trong đó, nỗ lực xây dựng các thương hiệu điểm đến qua các đề án.
“Xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng cồn Sơn” là đề án do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố chủ trì, định hướng xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Du lịch cộng đồng cồn Sơn” để khai thác tối ưu lợi thế tiềm năng du lịch bản địa tại cồn. Với đề án này, du lịch cồn Sơn sẽ được định vị thương hiệu một cách bài bản qua việc xây dựng nhãn hiệu, nâng chất sản phẩm du lịch cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
Bên cạnh cồn Sơn thì chợ nổi Cái Răng và làng nghề bánh tráng Thuận Hưng cũng đang được xây dựng đề án để định vị thương hiệu. Cụ thể, Ðề án Bảo tồn và phát triển Văn hóa Chợ nổi Cái Răng đã có từ năm 2016 với nhiều nội dung định hướng gìn giữ, phát huy văn hóa chợ nổi gắn liền với phát triển du lịch. Trong đó cũng định hướng xây dựng chợ nổi Cái Răng trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế, từng bước tạo nên sản phẩm thương hiệu đặc trưng cho du lịch Cần Thơ. Hiện đề án đang được điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn mới. Trong khi đó, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt) cũng đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang được địa phương định hướng xây dựng thương hiệu, góp phần gìn giữ sản phẩm đặc trưng địa phương, từng bước đưa làng nghề trở thành điểm đến thu hút du khách.
Việc xây dựng và phát triển các đặc sản, nông sản đặc trưng của địa phương gắn với du lịch cũng đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp triển khai kết nối sản phẩm OCOP đến các điểm đến, khu du lịch. Mới đây, Ðiểm trưng bày sản phẩm OCOP - Ðặc sản TP Cần Thơ đã được ra mắt tại Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè, trên chợ nổi Cái Răng. Việc ra mắt điểm trưng bày trên chợ nổi sẽ mở ra cơ hội kết nối, quảng bá đặc sản địa phương đến du khách. Qua đó cũng góp phần chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Việc đưa sản phẩm OCOP kết nối với du lịch là một trong những định hướng của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn thành phố, trong đó xác định “đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương. Ðồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Trên cơ sở này, Cần Thơ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc đặc trưng của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, từng bước định vị thương hiệu du lịch phát triển bền vững.
Phát triển bền vững gắn với đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố cũng đang phối hợp xây dựng Bộ tiêu chí du lịch bền vững. Theo đó, Cần Thơ xây dựng 6 Bộ tiêu chí và Chỉ số du lịch bền vững áp dụng cho 6 mô hình kinh doanh du lịch vừa và nhỏ: khách sạn, lữ hành, nhà nghỉ sinh thái (eco-lodge), du lịch dựa vào cộng đồng, lưu trú tại nhà dân (homestay) và điểm tham quan. Ðồng thời địa phương cũng định hướng xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch bền vững với các sản phẩm trọng tâm: du lịch sông Mekong, du lịch nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực Cần Thơ. Trong đó chú trọng đến văn hóa sông nước, các giá trị bản địa…
Ngành Du lịch Cần Thơ cũng định vị thương hiệu rõ ràng với định hướng phát triển du lịch thành phố trở thành “Ðiểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Miền Tây” vào năm 2030. Trên cơ sở này, hàng loạt các đề án phát triển sản phẩm đặc trưng được triển khai, như: “Phát triển du lịch đường sông TP Cần Thơ”, “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”… Thông qua các đề án, du lịch thành phố được định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy được các thế mạnh về đường sông, nông nghiệp.
Ðối với du lịch đường sông, Cần Thơ hiện khai thác hai tuyến chính: Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Ðiền và Ninh Kiều - Bình Thủy. Trong đó chủ yếu là sử dụng các ghe tàu nhỏ, len lỏi vào những sông rạch. Du lịch đường sông thành phố cũng đang được mở rộng khai thác các tuyến dọc theo các cồn sông Hậu, tuyến Ninh Kiều - Thốt Nốt, Bình Thủy - Thốt Nốt, tuyến kết nối liên tỉnh Cần Thơ - An Giang, Cần Thơ - Vĩnh Long, Cần Thơ - Ðồng Tháp, Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh…; kết nối theo dòng Mekong: Cần Thơ - Campuchia - Lào, Cần Thơ - Campuchia… Ðồng thời các phương tiện, sản phẩm du lịch đường sông cũng được nâng chất: du thuyền, cano, tàu cao tốc…
Với du lịch nông nghiệp, Cần Thơ sẽ khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, góp phần làm đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ; xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Cần Thơ; xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp thí điểm, tập trung phát triển du lịch nông nghiệp tại các quận, huyện: Phong Ðiền, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt.
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, nhằm phát huy tiềm năng tài nguyên, giá trị văn hóa bản địa theo hướng bền vững là giải pháp mà Cần Thơ xác định để xây dựng thương hiệu du lịch thành phố. Trong đó, định vị thương hiệu điểm đến được xem là bước đầu để chuẩn hóa và hình thành những sản phẩm chất lượng thu hút du khách.
Bài, ảnh: ÁI LAM
Nguồn: baocantho.com.vn