Du lịch miệt vườn phát triển tốt
     
Loại hình du lịch miệt vườn ngày càng phát triển. Nhiều nông dân ở Cần Thơ đã nhạy bén, tham gia vào dịch vụ du lịch, tạo thêm dấu ấn đặc sắc trên bản đồ du lịch Tây Đô; mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
 
Một ngày trung tuần tháng 6-2017, tôi cùng đoàn khách du lịch tham quan vườn trái cây Vàm Xáng của lão nông Trần Văn Liền (tên thân mật là Năm Liền), ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền (Cần Thơ). Du khách thích thú khi được trải nghiệm không gian miệt vườn với hàng chục loại cây trái, nổi bật là những gốc dâu Hạ Châu, măng cụt, sầu riêng, bưởi… trĩu quả.
 
Chỉ với 50.000 đồng/người, du khách có thể tham quan vườn, ăn bao nhiêu tùy thích và hái mang về. Trong vườn còn có những mương nhỏ nuôi cá với dịch vụ dỡ chà bắt cá.
 
Anh Trần Anh Tuấn, du khách đến từ TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), cảm nhận: “Đây là lần đầu tôi đến tham quan Cần Thơ. Đoàn khách của chúng tôi có hơn 10 người được khám phá du lịch miệt vườn sông nước, thưởng thức trái cây, món ăn đặc sản miền Tây… ai cũng thích. Chuyến du lịch Cần Thơ lần này mang đến cho chúng tôi nhiều trải nghiệm rất thú vị. Đặc biệt, khí hậu ở đây rất trong lành, mát mẻ”.
 
Ông Mười Cương giới thiệu, hướng dẫn khách nước ngoài chế biến ca cao ngay tại nhà.
 
Lão nông Trần Văn Liền, chủ vườn trái cây Vàm Xáng, bộc bạch: “Tôi là nông dân chính hiệu, cả đời chỉ biết làm vườn nuôi con ăn học. Năm 2013, huyện Phong Điền được TP Cần Thơ quy hoạch là vùng du lịch xanh của thành phố, nên tôi được chính quyền địa phương vận động làm du lịch sinh thái. Ban đầu tôi rất lo nhưng sau khi đi tham quan các mô hình du lịch sinh thái trong và ngoài thành phố về, tôi bắt đầu sắp xếp lại vườn cây ăn trái theo hướng vườn xanh, quả sạch.
 
Nhờ được tham quan, học hỏi và tập huấn du lịch mà khu vườn rộng hơn 3 ha được gia đình tôi trồng xen hơn 50 loại cây ăn trái để lúc nào cũng có trái cây phục vụ du khách. Ngoài ra, tôi còn làm lối đi, cầu, bờ mương, làm phòng nghỉ… để tạo nên không gian đẹp nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của vườn trái cây miền Tây. Khách tới tham quan có thể tát mương, dỡ chà, quăng chài bắt cá… trong vườn tôi còn tạo sân chơi riêng cho các cháu nhỏ”.
 
Cách đó không xa là khu vườn rộng 1,2 ha được ông Lâm Thế Cương (còn gọi Mười Cương, ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) trồng và duy trì vườn ca cao gần 60 năm qua. Trong khu vườn, ông cất những căn nhà nhỏ để khách đến tham quan có thể nghỉ qua đêm. Mỗi năm ông đón hàng ngàn lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế. Hiện ông đã hợp tác với 50 hãng lữ hành để đưa khách tới tham quan.
 
Khách đến vườn ca cao của ông Cương sẽ được trải nghiệm làm nông dân. Đặc biệt, là trực tiếp tham gia vào quá trình biến hạt ca cao thành sô cô la, bột ca cao, rượu ca cao... và thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra.
 
Ngoài ra, du khách được thưởng thức các món ăn đồng quê đậm chất Nam Bộ: canh chua, canh rau tép, cá tai tượng chiên cuốn bánh tráng, chả giò, lẩu mắm, bánh hỏi, bánh xèo gấc… các loại trái cây theo mùa và nghỉ lại tại nhà ông theo hình thức Homestay.
 
Ông Lâm Thế Cương, cho biết: “Tôi làm du lịch để giới thiệu đến bạn bè thế giới về cây ca cao ở Việt Nam nói chung và ở huyện Phong Điền nói riêng. Trung bình, mỗi tháng tôi đón tiếp trên 100 khách nước ngoài đến tham quan.
 
Chúng tôi nhiệt tình, quý khách như người trong nhà nên họ rất thích. Tôi rất mừng là thời gian qua, được sự giúp đỡ của Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch huyện Phong Điền và Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ nên khách du lịch đến ngày càng đông”. Không chỉ tiếp khách nước ngoài, gia đình ông Cương còn đón đông đảo du khách trong nước, đồng thời là nơi thực tập của rất nhiều sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố.
 
Theo ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại – Du lịch huyện Phong Điền, trên địa bàn huyện có 28 điểm du lịch thường xuyên, 9 điểm liên kết và 14 điểm di tích. Năm 2016, huyện đón 772.000 lượt khách, doanh thu trên 120 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đón khoảng 570.000 lượt khách, doanh thu 112 tỷ đồng, tăng 44,33% so với cùng kỳ.
“Sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng du lịch sinh thái của huyện, như: hạn chế tối đa bê tông hóa tại các điểm du lịch sinh thái; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh, quản lý du lịch.
 
Đặc biệt, trung tâm sẽ thành lập website để đưa tin, hình ảnh về du lịch Phong Điền. Qua đó du khách có thể tìm hiểu và lựa chọn các điểm đến thích hợp” - ông Giúp, cho biết.
 
Bà Lê Thị Bé Bảy, Phó trưởng Phòng VH-TT quận Bình Thủy cho biết, Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), hiện có 18 điểm nông dân liên kết làm du lịch trên tổng số 78 hộ dân đang sinh sống trên cồn.
 
Cách tổ chức du lịch ở đây là liên kết hỗ trợ nhau trong việc phục vụ du khách. Mỗi điểm du lịch tại Cồn Sơn đều có những loại trái cây riêng biệt, các món ăn không trùng lắp, để tránh sự nhàm chán đối với du khách và tránh được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đến đây, du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon: Cá tai tượng quấn lá sen, gà hấp rau răm, lẩu cá chạch lấu, gà nướng muối ớt, lục bình xào tép, bánh khọt, bánh ít trần, bánh lọc… do chính những nông dân tại đây chế biến.
 
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ cho biết, toàn thành phố hiện có 24 hộ nông dân làm du lịch, tập trung ở quận Cái Răng và huyện Phong Điền. Ngoài ra, có 18 hộ tham gia mô hình nông dân liên kết làm du lịch ở Cồn Sơn (quận Bình Thủy). Loại hình du lịch nông dân thu hút khoảng 30% - 40% lượng khách du lịch của Cần Thơ và chiếm từ 20%-25% doanh thu ngành du lịch thành phố.
 
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2017, có gần 4 triệu lượt khách du lịch đến Cần Thơ, tăng 30% so với cùng kỳ; trong đó, lượng khách của loại hình du lịch nông dân trên 600.000 lượt…
 
Đức Văn
http://www.baomoi.com
TIN LIÊN QUAN