Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, đầu mối giao thông nối liền giữa các địa phương trong vùng với…
Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, đầu mối giao thông nối liền giữa các địa phương trong vùng với miền Đông Nam Bộ và đi cả nước, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Từ khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc TW, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại và đồng bộ hơn; nhiều loại hình dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí phong phú và đa dạng, đưa Cần Thơ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách của vùng ĐBSCL.
Được thiên nhiên ưu đãi, Cần Thơ có nguồn tài nguyên rất đặc trưng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt bao phủ xung quanh, hình thành nên các cồn, cù lao trên sông: Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cù lao Tân Lộc và những vườn cây ăn trái sum suê. Chính vì thế, từ lâu văn hóa sông nước đã được xem như một trong những nét văn hóa đặc thù của Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. Đặc biệt, khi nhắc đến văn hóa miền sông nước không thể không nhắc đến văn hóa chợ nổi Cái Răng, một trong những nền văn hóa chợ nổi độc đáo và đặc trưng của thành phố miền sông nước, đã được giới thiệu, bình chọn trên nhiều tạp chí du lịch có uy tín của thế giới (Rough Guide, Youramazingplaces). Vừa qua, thành phố Cần Thơ cũng đã đoạt giải thưởng Cuộc thi Cảnh quan Châu Á 2016, với bài dự thi “Cần Thơ – Thành phố sông nước vùng ĐBSCL”. Với nét đặc trưng riêng, chợ nổi Cái Răng thật sự trở thành điểm du lịch tiêu biểu, có sức hút du khách mạnh mẽ khi đến Cần. Chính vì tầm quan trọng đó, TP. Cần Thơ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” để gìn giữ và phát triển loại hình chợ rất đặc trưng này và xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” là văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, lợi thế phát triển du lịch của TP. Cần Thơ nằm ở hệ thống các lễ hội văn hóa – lịch sử, các làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa – lịch sử có giá trị và hệ thống ẩm thực phong phú đa dạng của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… đang sinh sống trên địa bàn thành phố đã góp phần tạo nên một nền văn hóa rất đặc trưng và đa dạng, hình thành một cộng đồng đoàn kết, thân thiện.
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, TP. Cần Thơ đã đầu tư và hoàn thành nhiều công trình quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển như: sân bay Quốc tế Cần Thơ; hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cầu Cần Thơ; đặc biệt là cầu đi bộ Ninh Kiều, bắc qua rạch Khai Luông, được trang bị hệ thống đèn led nghệ thuật, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày… Hiện trên địa bàn TP. Cần Thơ có 244 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động với tổng số 6.582 phòng; nhiều nhà hàng, trung tâm hội nghị với cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại có sức chứa trên 1.000 chỗ ngồi; nhiều trung tâm thương mại – dịch vụ, mua sắm và giải trí có quy mô lớn như: Vincom, Lotte, Sense City, Big C…. Và sắp tới đây, khi dự án Khu đô thị du lịch sinh thái tại Cồn Ấu của Tập đoàn Novaland và dự án Khách sạn 5 sao của Tập đoàn Vingroup đang xây dựng đi vào hoạt động sẽ tạo thêm điểm nhấn cho du lịch thành phố. Bên cạnh đó, việc thu hút và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã được quan tâm và đầu tư mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các cơ sở đơn vị kinh doanh du lịch; tăng cường đầu tư của nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn nhân lực du lịch, gắn công tác đào tạo với nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ cho nhân viên, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các nhân viên phục vụ, bán hàng tại các khu, điểm tham quan thu hút du khách tham quan.
Trong năm 2016, du lịch Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế địa phương. Năm 2016, thành phố Cần Thơ đã đón trên 5,3 triệu lượt khách du lịch đến tham quan và du lịch, tăng hơn 14% so với năm 2015; phục vụ 1,7 triệu lượt khách du lịch lưu trú, tăng 07% so với năm 2015, trong đó có trên 250.000 lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 25% so với năm 2015; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 1.800 tỉ đồng, tăng 05% so với năm 2015. Trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch đặc trưng sẵn có, TP. Cần Thơ đang tiếp tục tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút thêm nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế như: du lịch MICE (du lịch hội họp, khen thưởng, hội nghị, hội thảo và triển lãm); du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; du lịch văn hóa – lịch sử kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển du lịch đường sông gắn với tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái; tập trung khai thác các di tích, Nông trường sông Hậu và Viện lúa ĐBSCL; phát triển loại hình du lịch nông nghiệp sạch…; hướng tới mục tiêu chung đưa du lịch Cần Thơ phát triển hiệu quả và bền vững, tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Trong thời kỳ hội nhập, hợp tác là biện pháp hữu hiệu góp phần đa dạng hóa điểm đến, tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, đảm bảo sự phát triển bền vững; chính vì vậy thời gian qua bên cạnh việc đầu tư cho nhân lực, hạ tầng phát triển du lịch…, TP. Cần Thơ còn đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng ĐBSCL và các thành phố có thế mạnh về du lịch trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, TP.HCM… Kể từ khi đường bay Cần Thơ – Hà Nội, Cần Thơ – Đà Nẵng chính thức đưa vào khai thác đã tạo điều kiện rất thuận lợi trong giao thương và du lịch giữa ba miền Bắc – Trung – Nam, thúc đẩy sự liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Cần Thơ và các tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc – Trung, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm và ký kết hợp tác phát triển, xây dựng tour tuyến, giao thương giữa các địa phương được thuận lợi hơn. Bên cạnh việc khai thác thị trường nội địa, việc xúc tiến, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến thành phố cũng đã được lãnh đạo thành phố quan tâm thông qua việc ký kết các thỏa thuận liên kết phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ các chính sách đầu tư phát triển du lịch, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế về du lịch, khảo sát mở các đường bay quốc tế mới đến TP. Cần Thơ…
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, cùng sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành…và một thành phần không thể thiếu là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, ngành du lịch Cần Thơ sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi ngọn và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, xứng tầm vị thế là trung tâm của vùng ĐBSCL.
Nguồn: Phòng Quản lý Du lịch - Sở VHTT&DL TP. Cần Thơ