Hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
     

Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa tổ chức hội thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045” tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhằm tham vấn ý kiến các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp trong ngành để có những định hướng quy hoạch du lịch thời kỳ mới.

 

Du lịch biển đảo vẫn là sản phẩm chính và ưu tiên hàng đầu. Đảo Lý Sơn là một trong những điểm đến sẽ được quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Du lịch biển đảo vẫn là sản phẩm chính và ưu tiên hàng đầu. Đảo Lý Sơn là một trong những điểm đến sẽ được quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

 

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013; đã mang đến cho ngành Du lịch Việt Nam những bước phát triển mạnh mẽ cũng như nhiều thành tựu vượt bậc. Cụ thể, thời điểm năm 2019, lượng khách và tổng thu du lịch đạt 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa và thu về 755 nghìn tỉ đồng, đều vượt xa các chỉ tiêu dự báo của quy hoạch đã được phê duyệt. Hệ thống sản phẩm du lịch đã từng bước được hình thành rõ nét theo các định hướng quy hoạch. Trên cơ sở này, ngành Du lịch cũng đề ra định hướng mới qua dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (dự thảo quy hoạch) từ thực tế khảo sát 7 vùng du lịch của cả nước. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành Du lịch như trước đại dịch COVID-19. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

 

Dự thảo quy hoạch được xây dựng trên quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia, gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển bền vững, sáng tạo, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Theo đó, dự thảo đề xuất 4 dòng sản phẩm chính: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Du lịch biển đảo tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam. Trên cơ sở này sẽ tập trung nguồn lực phát triển một số trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế, như: Hạ Long, Lăng Cô, Vĩnh Hy, Nha Trang, Cam Ranh… và các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý…

 

Dự thảo quy hoạch cũng đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới, đó là: du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao. Trong đó du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP. Du lịch thể thao gắn với thể thao biển, thể thao mạo hiểm, du lịch golf. Du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp tài nguyên tự nhiên từ khí hậu, nguồn khoáng nóng... và các bài thuốc, liệu pháp y học cổ truyền. Bên cạnh đó, dự thảo quy hoạch cũng đưa 14 giải pháp trọng tâm, cụ thể về cơ chế chính sách; tổ chức quản lý; tổ chức quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch; phối hợp liên ngành, liên địa phương; đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm, thị trường dịch vụ; xúc tiến quảng bá du lịch...

 

Trên cơ sở dự thảo quy hoạch, các chuyên gia và các đại biểu từ các địa phương đã có nhiều đóng góp. Theo đó, nội dung đề xuất  tập trung vào một số vấn đề như sau: chính sách quản lý phát triển du lịch sinh thái, vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch, tiêu chí lựa chọn các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, phát triển du lịch ở lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế đêm, các loại hình du lịch liên kết với ngành nghề, lĩnh vực khác, cơ sở hạ tầng giao thông trong du lịch, xây dựng hệ thống điểm đến du lịch bền vững…

 

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu, bổ sung nghiên cứu nhiều vấn đề. Trong đó, có vấn đề đô thị du lịch, đô thị di sản bởi Việt Nam có hệ thống di sản rất đa dạng, đậm bản sắc. Đối với các nhóm sản phẩm chính được đưa vào quy hoạch, nên chú trọng đến những loại hình du lịch mới, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh quy hoạch phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng miền; còn quy hoạch vùng phải theo hướng mở, gắn với thế mạnh và vai trò động lực trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Quy hoạch cũng cần tập trung hơn cho các giải pháp chuyển đổi số để phát triển du lịch phù hợp theo lộ trình; cũng như các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đêm để có thêm sản phẩm thu hút du khách quốc tế.

 

Bài, ảnh: ÁI LAM

Nguồn: baocantho.com.vn

 

 

TIN LIÊN QUAN