Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2018: Kết nối văn hóa ẩm thực ĐBSCL
     
Đã thành thông lệ, mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ do TP Cần Thơ tổ chức là điểm hẹn quen thuộc của các nghệ nhân và đông đảo du khách yêu thích ẩm thực truyền thống. Những chiếc bánh dân gian đã đem đến không gian kết nối văn hóa ẩm thực ĐBSCL.
 
Tại gian hàng của tỉnh Kiên Giang, chiếc bánh “lồng cô” gợi tò mò cho du khách. Tên bánh bắt nguồn từ câu chuyện giản dị, yêu thương của người Nam bộ: Một đôi trai gái yêu nhau, cùng dự hội chùa và cô gái mua đôi bánh. Chiếc bánh quê được gói trong lá xanh, làm ấm lòng chàng trai. Không biết tên bánh, nên chàng trai đã gọi nó là “lồng cô” - biểu hiện cho tấm lòng của cô gái.
 
Bà Phạm Thị Tấn (60 tuổi) chia sẻ: “Bánh này đã được truyền trong gia đình tôi qua ba thế hệ. Ngày nay ít người biết bánh này lắm nên tôi tham gia lễ hội này để giới thiệu và góp phần nhỏ gìn giữ bánh gia truyền”. Bánh lồng cô có hình dáng bên ngoài như bánh ít. Nếu bánh ít được làm từ bột nếp thì bánh lồng cô được làm từ bột gạo và nước cốt dừa. Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (TP Hồ Chí Minh), nhận xét: “Bánh này thơm, béo, lại dẻo. Đây là lần đầu tôi nghe đến bánh lồng cô và vui vì lần này về đây dự lễ hội được khám phá thêm về bánh Nam bộ”.
 
Du khách quốc tế thích thú với khu trưng bày và trải nghiệm làm bánh Nam bộ. Ảnh: KIỀU MAI
 
Trong khi đó, gian hàng Vĩnh Long cũng khiến không ít du khách hiếu kỳ với chiếc bánh Bá Trạng của vợ chồng chú Đinh Văn Khang và cô Huỳnh Lệ Thanh - cơ sở sản xuất bánh Vĩnh Xương. Cô Lệ Thanh chia sẻ, đây là bánh của người Hoa, thường có trong dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch).
 
Bánh Bá Trạng thường để cúng tổ tiên, làm quà biếu và có ý nghĩa như lời chúc con cháu phát tài, đỗ đạt, sung túc. Vì vậy bánh cũng dùng mừng con cháu làm ăn xa trở về. Cô Lệ Thanh chia sẻ: “Bánh này trong gia đình cô đã truyền đến đời thứ tư. Ngày nay cũng ít người làm. Gia vị của bánh khá đặc biệt với 8 loại nguyên liệu, tạo khẩu vị rất riêng”.
 
Bánh Bá Trạng
 
Trong không gian náo nhiệt của lễ hội, chiếc bánh bầu của chị Huỳnh Ngọc Lan (Sóc Trăng) thu hút khách tham quan. Chiếc bánh quê có cái tên rất giản dị từ nguyên liệu chính là bầu. Loại bánh này bị coi như thất truyền ở nhiều nơi, nhưng gia đình chị Ngọc Lan vẫn giữ cho đến ngày nay.
 
Chị Huỳnh Ngọc Lan chia sẻ: “Sau khi nghỉ hưu, tôi dành hết thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các loại bánh dân gian. Tôi muốn lan truyền những nét đẹp ẩm thực Nam bộ, đặc biệt là cố gắng giữ những chiếc bánh vốn đã không còn phổ biến”. An Giang năm nay lại mang đến nhiều đặc sản của văn hóa Chăm, đó là bánh Namparang, bánh Hapah.
 
Bánh Namparang
 
Chị Fômativơ (An Giang), chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lễ hội, mong muốn giới thiệu đến mọi người nét văn hóa dân tộc, trong đó có các loại bánh truyền thống, ít người biết”. Nguyên liệu chính để tạo chiếc bánh ngon trong ẩm thực Chăm không chỉ có bột, đường thốt nốt, mà còn kỳ công nướng trên những chảo nhỏ bằng đất nung. Du khách Trần Bảo Minh (Hà Nội), nói: “Không chỉ có tên lạ, khâu chế biến bánh cũng khiến người ta tò mò. Lần đầu tôi biết về những loại bánh này”.
 
Chị Fômativơ (An Giang) trình diễn khâu chế biến bánh Namparang
 
Lễ hội bánh năm nay thu hút rất đông nghệ nhân với tài khéo và tâm huyết cùng ẩm thực truyền thống. Mỗi loại bánh phản ảnh văn hóa, nếp sống, tài nguyên sản vật của từng miền đất, tạo nên sự đa sắc cho thương hiệu bánh dân gian Nam bộ. Chiếc bánh còn có ý nghĩa tiếp nối, truyền thừa qua nhiều thế hệ, kết nối người làm bánh và du khách khắp mọi miền đất nước, bởi du khách không chỉ đến thưởng thức bánh mà còn truyền tai nhau câu chuyện về văn hóa, con người Nam bộ.
 
Bài, ảnh: Ái Lam
http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN