Du khách có dịp về miền Tây sẽ không thể bỏ qua các món hủ tiếu patê Bến Tre, hủ tiếu Sa Đéc hay Đồng Tháp...
Người bản xứ hoặc người vùng khác sinh sống ở miền Nam đều sẽ công nhận hủ tiếu là đặc sản chưa bao giờ bị ế hay bị chê. Về miền Tây, bạn nhất định không thể bỏ qua những món hủ tiếu nổi tiếng dưới đây:
Hủ tiếu patê Bến Tre
Ra đời và chỉ có tại xứ dừa, món này có cái tên khiến khách phải tò mò và tưởng tượng ra một tô hủ tiếu ăn cùng miếng patê gan mềm xốp tan trong nước lèo. Chỉ khi được nhìn tận mắt và thưởng thức tận miệng, bạn mới thấy được sự sáng tạo và tinh tế của người Bến Tre khi làm ra loại hủ tiếu này.
Miếng pate phiên bản Bến Tre (nằm trong đĩa) ăn kèm sợi hủ tiếu dai có vị lạ miệng, thơm béo
và không bị vỡ nát trong tô nước. Giá một tô khoảng 25.000 - 35.000 đồng.
Patê ở đây không phải là loại ăn cùng bánh mì mà là một loại chả nguội. Chả dai và giòn sần sật, được làm từ thịt, lưỡi, mỡ và da heo. Lâu dần thành quen, người địa phương ăn hủ tiếu phải có miếng patê dai dai giòn giòn mới đúng điệu. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn ở các con đường lớn trong thành phố.
Hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp)
Nghề làm bột gạo ở Sa Đéc có truyền thống trên 100 năm. Người dân nơi đây chuyên sản xuất bánh phở, bún, hủ tiếu xuất khẩu nước ngoài. Nhờ đó, hủ tiếu Sa Đéc đáp ứng được về độ đẹp và ngon: sợi trắng mịn, mềm mà không bở, không vị chua.
Hủ tiếu bà Sẩm nổi tiếng ở Sa Đéc. Ảnh: Liêu Lãm.
Dù là bình dân hay trong tiệm lớn, hủ tiếu ở Sa Đéc luôn có hương vị chung đặc trưng ít nơi khác làm được, bởi nguồn nguyên liệu sẵn có và nhiều đời chế biến. Hủ tiếu khô là món được ưa chuộng tại địa phương.
Theo một số tiệm bán lâu đời kể lại, người Việt từng sống ở Campuchia đã mang phong cách ẩm thực về chế biến ra loại hủ tiếu khô với nước sốt chua chua ngọt ngọt, mà vẫn không làm mất hương vị bản xứ. Du khách có thể tìm đến quán bà Sẩm là một trong những địa chỉ hủ tiếu nổi tiếng ở Sa Đéc.
Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang được cho là món ăn của người Hoa chế biến bán đầu tiên ở Nam Vang (nay là thủ đô Phnom Penh, Campuchia), sau này được người Việt mang về và chế biến lại với sợi nhỏ.
Nhìn bề ngoài, hủ tiếu Nam Vang có vẻ giống hủ tiếu Mỹ Tho nhưng khác nhau ở cách chế biến. Hủ tiếu của nước bạn không ninh xương làm nước dùng mà dùng thịt bằm nhuyễn ninh cùng nước để tạo độ ngọt và béo.
Châu Đốc là nơi bạn phải đến nếu muốn thưởng thức vị chuẩn của món ăn này. Ảnh: Hương Chi.
Điểm dễ nhận ra của một tô hủ tiếu Nam Vang chính gốc là ăn cùng lòng heo. Nhiều nơi chế biến thêm tôm, cua, cá, mực… nhưng nhất thiết phải có thịt bằm.
Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang)
Nhắc đến hủ tiếu người Việt Nam hay nhớ đến hủ tiếu Mỹ Tho hơn cả. Cách phân biệt hủ tiếu Mỹ Tho so với các nơi khác là sợi hủ tiếu nhỏ, dai, khô, màu hơi đục và hơi có vị chua, mang hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn.
Sợi bánh trong, dai và không bị bở khi nấu lên do được làm từ gạo Gò Cát. Ảnh: Huấn Phan.
Hủ tiếu Mỹ Tho chính gốc được chan nước dùng hầm từ xương heo và củ cải, bao giờ cũng có vài lá xà lách, ăn cùng thịt nạc hoặc hải sản.
Pizza hủ tiếu Cần Thơ
Là món hủ tiếu “sinh sau đẻ muộn” nhưng đây lại là đặc sản độc đáo ở miệt thứ Tây Đô, được nhiều du khách biết đến, nhất là khách nước ngoài. Món ăn có tên nửa Tây nửa Việt này là phát minh của một lò 3 đời làm hủ tiếu cách chợ nổi Cái Răng chừng 4 km.
Sợi hủ tiếu có màu trắng ngà, làm từ loại gạo ngon. Cách chế biến món pizza hủ tiếu có phần cầu kỳ hơn cả. Sợi hủ tiếu ướp với tiêu, đường rồi được cho vào chảo dầu sôi. Hủ tiếu chuyển vàng và giòn là có thể vớt ra. Sau đó, đầu bếp sẽ cho thêm lên trên một ít hành lá, chà bông hoặc thịt trứng, kèm đậu phộng và nước cốt sữa dừa.
Với sợi dai đặc trưng Việt Nam, pizza hủ tiếu không bị vỡ, bở khi chiên, làm tăng độ giòn và hình thức đẹp mắt cho món ăn. Mỗi phần ăn có giá từ 30.000 đồng.