Tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực du lịch
     

Nhân lực là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển du lịch. Tại TP Cần Thơ, nguồn nhân lực du lịch trong nhiều năm qua vẫn luôn còn nhiều trăn trở về số lượng lẫn chất lượng. Những giải pháp để phát triển nhân lực ngành công nghiệp không khói càng được quan tâm trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19.

 

Hướng dẫn viên du lịch quốc tế đang thiếu trầm trọng tại Cần Thơ. Trong ảnh: Hướng dẫn viên (phải) hướng dẫn khách quốc tế tham quan tại chợ nổi Cái Răng.

 

Khó chồng khó

 

Ðiều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có xác định, đến năm 2020 sẽ có khoảng 39.300 lao động (trong đó 13.100 lao động trực tiếp, 26.200 lao động gián tiếp) trong ngành du lịch; lực lượng lao động qua đào tạo chuyên môn về du lịch phải đạt trên 80%. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ đã qua đào tạo của nhân sự du lịch Cần Thơ vào năm 2020 chỉ đạt 68,3%. So với định hướng đề ra là không đạt. Trong khi đó, giai đoạn 2019-2021 du lịch lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhiều khách sạn, điểm vườn, lữ hành đóng cửa, hoặc giảm nhân sự. Nhiều lao động của ngành du lịch đã bỏ nghề chuyển sang ngành khác.

 

Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO Cần Thơ, chia sẻ: “Sau dịch COVID-19, chất lượng nhân sự du lịch tại Cần Thơ và vùng ÐBSCL thay đổi rất nhiều. Nhiều người có kinh nghiệm chuyển từ du lịch sang ngành nghề khác, hoặc điều chỉnh từ tỉnh này sang tỉnh khách. Ðặc biệt là di chuyển đến Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh rất nhiều, khiến Cần Thơ và ÐBSCL thiếu trầm trọng nhân sự du lịch”. Ðồng quan điểm, ông Trần Mạnh Khang, Trưởng Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Hướng dẫn viên tại ÐBSCL thiếu trầm trọng, nhất là lực lượng cho thị trường khách inbound (du khách từ nước khác đến - PV). Nguồn cung gần như không đủ. Cần Thơ và ÐBSCL đang bị động về nhân sự du lịch, nhất là hướng dẫn viên inbound. Do đó, địa phương cần có những định hướng để bổ sung gấp lực lượng này để đáp ứng và kịp thời nắm bắt cơ hội mở cửa du lịch quốc tế hiện nay”.

 

Bà Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch TP Cần Thơ, thông tin: “Trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Các em đều được các doanh nghiệp du lịch tuyển dụng đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, ngoại ngữ vẫn là điểm yếu chung của lực lượng nhân sự du lịch vùng ÐBSCL hiện nay. Mặt khác, thị trường du lịch tại TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc có sức hút hơn ở TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL khác”. Thực tế, tại Cần Thơ có nhiều trường: Ðại học Cần Thơ, Ðại học Tây Ðô, Ðại học Nam Cần Thơ, Ðại học FPT… đều có chuyên ngành đào tạo về du lịch. Trong đó, Trường Cao đẳng Du lịch TP Cần Thơ là đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyên đào tạo sâu nhân sự cho lĩnh vực này. Như vậy, bình quân mỗi năm các trường cung ứng ra hàng trăm sinh viên ngành du lịch hoặc liên quan nhưng vẫn không đủ cung cho thị trường lao động tại TP Cần Thơ. Một phần nguồn nhân sự này đã chuyển đến các thị trường có sự phát triển du lịch hơn. Mặt khác, lực lượng này chưa thể lập tức đáp ứng yêu cầu công việc thực tế của doanh nghiệp du lịch. Theo chia sẻ của các đơn vị lữ hành, khách sạn thì sau tuyển chọn nhân sự đều phải có sự đào tạo lại, bởi các kỹ năng mềm, nghiệp vụ vẫn chưa đạt chuẩn. Trong đó, hạn chế về ngoại ngữ là vấn để nổi rõ nhất.

 

Một thực trạng nữa là lực lượng lao động qua đào tạo có chất lượng cũng không đồng đều. Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành... tỷ lệ qua đào tạo đều đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ qua đào tạo lại thấp nhất ở các khu, điểm du lịch với con số 26,1%. Ở các điểm vườn, homestay, khu du lịch thì hầu hết là tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Trong khi đó, một số lực lượng của vận chuyển đường bộ, đường thủy, đặc biệt là lái tàu trên chợ nổi có tác động trực tiếp đến ngành du lịch nhưng chất lượng qua đào tạo vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

 

Có thể thấy nhân lực du lịch tại Cần Thơ đang thiếu và không ổn định về số lượng, chất lượng.

 

Những đề xuất, kiến nghị

 

Ông Trần Mạnh Khang, Trưởng Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP Cần Thơ, đề xuất: “Trước thực trạng khó khăn về nhân sự du lịch tại Cần Thơ, tôi kiến nghị địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, trong đó chú trọng đến lực lượng hướng dẫn viên inbound, tạo điều kiện để nhân sự du lịch được cấp thẻ đúng quy định. Ngành Du lịch thành phố cũng nên có những định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến các thị trường nói tiếng Hoa, Pháp, Nhật, Hàn… hay những quốc gia mà Cần Thơ đang có định hướng kết nối, mở đường bay. Mặt khác, để dễ quản lý và ổn định chất lượng hướng dẫn viên, tôi cũng đề xuất tổ chức cuộc thi xếp hạng hướng dẫn viên du lịch tại Cần Thơ, để dần chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên”. Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Sắp tới, trường cũng sẽ tăng cường bổ sung các lớp ngoại ngữ trong chương trình học của các em để tạo đầu ra chất lượng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết nhiều doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ và ÐBSCL để kết nối thực tế, tạo điều kiện cho các em sinh viên vừa học vừa tiếp cận được thực tế môi trường làm việc sau này. Doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn được nhân sự phù hợp mà không cần đào tạo lại. Tôi cũng đề xuất địa phương nên tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn về du lịch để thu hút khách quốc tế và nội địa đến Cần Thơ, như thế mới tạo được thị trường du lịch sôi động, thu hút nhân lực du lịch”.

 

 

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Minh Thơ cũng cho rằng ngành Du lịch thành phố nên thường xuyên khảo sát, kiểm tra ở các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú để nhắc nhở các đơn vị quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động. Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO Cần Thơ, cho rằng: “Trước mắt, ngành Du lịch địa phương nên tăng cường bồi dưỡng, tập huấn  theo từng đối tượng cụ thể. Tạo sự kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp với sinh viên, thông qua các hoạt động trải nghiệm, hay các hội nghị gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm. Về lâu dài thì cần có những định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

 

Hướng đến nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, hiệu quả và phù hợp thực tế là một trong những chìa khóa then chốt để du lịch Cần Thơ tạo được sự chuyển biến trong phát triển lĩnh vực này. Do đó, nhiều năm qua, ngành Du lịch thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để từng bước cải thiện nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Bình quân mỗi năm sẽ có từ 5-6 lớp nghiệp vụ, đối tượng được hướng tới là các chủ phương tiện vận tải, nông dân, tiểu thương có hoạt động gắn bó với du lịch. Về lâu dài, địa phương cũng đã hình thành kế hoạch chi tiết về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Cần Thơ thu hút khoảng 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 75%. Ðịnh hướng đến năm 2030 sẽ thu hút khoảng 12.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 80%. Hiện ngành Du lịch thành phố đang rà soát kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 01/CTr-UBND ngày 3-1-2018 của UBND thành phố về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 của TP Cần Thơ, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình mới.

 

Bên cạnh sản phẩm du lịch thì nguồn nhân lực là một mắt xích không thể thiếu trong hoạt động ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, nhiều năm qua nguồn nhân lực du lịch tại Cần Thơ vẫn luôn thiếu về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra phân tích và ngành Du lịch thành phố cũng đang tìm những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh yếu tố nhân sự du lịch lại liên quan đến nhiều đơn vị, ngành hữu quan và cả cơ chế thị trường. Việc đào tạo nguồn nhân lực cần thích ứng và luôn điều chỉnh theo nhịp phát triển của thị trường mới tạo được hiệu quả. Do đó cần phải có sự phối hợp, chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và bản thân người lao động. Từ đó mới có thể từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo sự chuyển biến trong việc giữ chân và thu hút nhân lực du lịch.

Nguồn: baocantho.com.vn

 

TIN LIÊN QUAN