Khám phá hai món ăn “Kỷ lục Việt Nam” ở Cần Thơ
     
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam- Vietkings vừa công bố xác lập "Top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu Việt Nam" trong Hành trình tìm kiếm, quảng bá ẩm thực, đặc sản Việt Nam giai đoạn 2011-2016. Cần Thơ có 2 đặc sản được vinh danh là bánh tét lá cẩm Cần Thơ và món vịt nấu chao. Từ những món ăn dân dã, các nghệ nhân đã tâm huyết, trọn lòng với nghề, góp phần vang xa hương vị ẩm thực Cần Thơ.
 
60 năm thảo thơm bánh tét
 
Anh bạn hàng xóm của tôi mới du học về, chia sẻ: "Hồi ở bên Úc, tôi được người bạn mời ăn bánh tét lá cẩm nghe rằng từ xứ Cần Thơ mình, ăn một lần, nhớ tới giờ!". Tôi lâng lâng vì không ngờ đòn bánh tét Tây Đô lại đi xa đến vậy, khoanh bánh dẻo thơm lại níu chân người xa quê như thế!
 
Bà Sáu Trọng cùng con cháu bên sạp gói bánh tét của gia đình. Ảnh: DUY KHÔI
 
Mấy năm qua, năm nào tôi cũng đôi ba lần ghé thăm cụ bà Huỳnh Thị Trọng (tức Sáu Trọng)- chủ nhân thương hiệu "Bánh tét lá cẩm Cần Thơ" trứ danh, ở phường An Thới, quận Bình Thủy. Chẳng để làm gì, đôi khi chỉ để nghe bà Sáu kể chuyện về chiếc bánh quê hương, về sự chuộng ăn của người xa xứ và để nghe bà nói chuyện nghề bên nồi bánh nghi ngút hương đưa. 87 tuổi đời, bà Sáu vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và vẫn thoăn thoắt gói bánh, nứt bánh... Hỏi chuyện bánh tét, bà Sáu trải lòng trong hạnh phúc. Bà Sáu không ngờ món bánh bà từng đội đầu đi bán rong hơn nửa thế kỷ trước, giúp bà nuôi sống gia đình, lại trở thành đặc sản. Bà Sáu nói rằng: "Ngộ một điều là bánh của Nam bộ mà người khắp 3 miền và khách Tây cũng thích. Ăn, người ta khen ngon và nhớ hoài!".
 
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ giờ không chỉ có ở Tây Đô mà theo chân du khách, thực khách xuôi Nam, ngược Bắc và xuất ngoại. Bánh tét họ Huỳnh của bà Sáu nức danh, gói không kịp bán, có nhiều cơ sở cung cấp, vậy nhưng bà Sáu lúc nào cũng nhắc nhở con cháu phải tậm tâm trong từng đòn bánh. Bà Sáu ví von rằng, nghề này cực nhưng nhàn, lấy công làm lời, lương thiện, không được dối gạt chi hết. Chú Bé, con rể bà Sáu kể với tôi, bà kỹ đến độ mua nếp làm bánh cũng phải xôi trước xem nếp có dẻo thơm hay lộn gạo không. "Hễ cắn thấy hột nếp rít, dẻo, giòn và bể bấy là nếp lộn gạo"- đó là bí quyết chân truyền. Rồi đậu xanh nấu rục, nghiền kỹ, lá cẩm tươi ngon, thịt mỡ, tròng đỏ hột vịt muối… tất cả đều phải chỉn chu, sạch sẽ.
 
Bà Sáu kể rằng, thuở xưa bà gói bánh chỉ là nếp, đậu trắng, nhưn mỡ gói rồi nấu chứ không kỳ công như bây giờ. Trải qua hơn nửa thế kỷ với nghề, bà Sáu sáng tạo ra những công thức bí truyền về nêm nếm nhưn và màu lá cẩm bắt mắt. Để rồi như một sự mặc định, nhắc bánh tét lá cẩm Cần Thơ, người ta lại nghĩ ngay đến bà Sáu Trọng.
 
"Một món ăn có mùi vị kỳ lạ nhưng quyến rũ!"
 
Đó là nhận xét của Martin Yan, đầu bếp của trên 3.000 chương trình nấu ăn phát sóng trên toàn thế giới (nổi tiếng nhất là "Yan can cook"), khi trải nghiệm món vịt nấu chao Thành Giao (hẻm 1, đường Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ), trong chương trình thực tế "Taste of Vietnam" (Hương vị Việt Nam). Còn với người Cần Thơ và du khách đến Cần Thơ, hễ nói đến vịt nấu chao lại tự nhiên đến quán Thành Giao.
 
Đầu bếp Martin Yan và anh Thành Giao nấu món vịt nấu chao
trong chương trình "Taste of Vietnam". Ảnh: DUY KHÔI
 
 Chủ quán- anh Nguyễn Thành Giao được khá nhiều người biết đến. Không gian quán treo đầy ảnh anh chụp chung với hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay. Anh Giao kể, nghệ sĩ từ các nơi về Cần Thơ thường ghé quán, để thưởng thức món vịt nấu chao nức tiếng. Vậy rồi từ món ngon gia truyền, anh kết thân và trở thành bè bạn. Mới đây, vịt nấu chao Thành Giao đã có mặt tại Nhà hàng Vương Quốc Tôm (13, Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh) và luôn "cháy hàng" bởi khách lạ lẫm với món ăn đậm đà hương vị Tây Đô. Anh Thành Giao chia sẻ rằng đó là niềm tự hào sau bao năm gìn nghề giữ nghiệp. Món ngon của gia đình anh vang xa là bởi anh đã tận tâm trong chọn nguyên liệu tươi ngon; tận tình trong từng công đoạn chế biến, nêm nếm, xào nấu. "Vịt nấu chao Thành Giao là sự hòa quyện của gia vị chao, gừng… cùng cái tâm người nấu"- anh Giao chia sẻ. Đảo đều nồi lẩu vịt nấu chao ngút khói, anh Giao kể về nghề mà anh kế thừa từ người ông, rồi đến mẹ và giờ là anh nối nghiệp. Anh Giao có lý khi nói rằng, chẳng có cách quảng bá nào bằng sự công nhận của người tiêu dùng- "hữu xạ tự nhiên hương" là vì vậy.
 
Theo thời gian nồi vịt nấu chao Thành Giao hẳn có nhiều thay đổi khi người thợ đã biến tấu từ một loại rau muống ăn kèm nay đã có thêm cù nèo, mồng tơi, cải xanh, nấm rơm; hành lá, gia vị… phong phú, ngọt ngon, dậy mùi. Anh Giao gọi đó là kiểu "ăn theo thuở", nhưng hương vị đậm đà thì vẫn được giữ nguyên. Đó là một kiểu món ngon mùi nhớ!
 
* * *
Món ăn dân dã từ trong đời sống dân gian của Cần Thơ đã vang xa, đã trở thành Kỷ lục Việt Nam. Thưởng thức món ngon chợt nhớ tài hoa của người Cần Thơ đâu đâu cũng có, chợt tự hào sự trù phú của sản vật quê nhà. Và biết đâu chừng, đòn bánh tét lá cẩm, nồi vịt nấu chao sẽ làm ai đó cồn cào, háo hức mỗi khi nhắc đến hai tiếng Cần Thơ.
 
http://baocantho.com.vn
TIN LIÊN QUAN