Giữ gìn hồn dân tộc cho cánh diều sáo Việt Nam
     
Diều sáo là nét đặc trưng văn hóa của nền văn minh lúa nước, mang tâm hồn thanh cao từ ngàn đời nay của người Việt Nam.
 
Từ năm 2009, Việt Nam đã thường xuyên tổ chức Liên hoan Diều nghệ thuật quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các nước mang đến tham dự những cánh Diều với nét đặc trưng của quốc gia mình. Việt Nam đã khẳng định Diều Sáo hoàn toàn là thú chơi được truyền lại từ bao đời nay mà không phải là bắt chước hay du nhập từ bên ngoài vào. Để viết được điều này, chúng tôi đã phải tìm hiểu trực tiếp hoặc gián tiếp các bảo tàng trong và ngoài nước .
 
Thông qua các chuyến khảo sát thực tế và tài liệu lưu giữ của các làng xã đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của Diều Sáo thì thấy rằng người Việt ta đã thả các cánh Diều phát ra âm thanh từ thời nhà Lý, nghĩa là hơn ngàn năm nay.
Còn theo truyền thuyết, tiếng Sáo Diều được vút lên như lời mời gọi bầy tiên nữ trên thượng giới xuống hạ thế hưởng thú trần gian mà có nàng đã quên đường về. Cũng có truyền thuyết thì chép rằng, ông cha ta đã biết dùng tiếng sáo trầm hùng phát ra từ trên không để thu quân khi kẻ địch đã ra ngoài bờ cõi. Tiếng tiêu réo rắt nhờ gió thổi đã làm nức lòng quân sĩ mà không cần người chiêu binh phải tự thổi các khúc ngâm nga ai oán như ở xứ nào phương xa.
 
 
Cứ như thế, Diều Sáo đã đi vào cuộc sống thường nhật trên đất Việt như một nét văn hóa rất riêng, giản dị mà thanh cao, thanh bình mà hùng tráng.
 
Để Diều Sáo mãi trường tồn trên mọi miền của đất nước thân yêu
 
Khi trưng bày những cây Sáo Diều Bắc Bộ tại Vũng Tàu, đặc biệt là khi tiếng sáo được phát ra tại Khu Du lịch Hồ Tràm và Biển Đông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi có quá nhiều du khách thăm và hỏi chuyện.
 
Có bà lão ăn mặc theo lối Nam, khi nghe tiếng sáo vi vu đã òa khóc, vì thuyền theo lái, ngoài nửa thế kỷ mới gặp lại âm thanh xưa. Có người qua đài báo, biết có lễ hội thả diều, đã đi theo chúng tôi suốt cả tuần, chỉ với hy vọng sau hội xin hoặc mua lại cây Diều Sáo, để chiều chiều đem theo ra thả ở bờ biển cùng con cháu nhớ lại những kỷ niệm đẹp thuở ấu thơ ở Hải Dương. Lại có anh quê Thái Bình, góp ý với chúng tôi nên làm Diều dài hơn, như quê anh bằng cả nhà năm gian, thêm Sáo nhiều nữa để âm thanh phát ra đa dạng hơn.
 
 
Người Nam bây giờ cũng chơi Diều Sáo. Cánh Diều Sáo bây giờ không phải chỉ được thả lên ở đồng bằng Bắc Bộ, khắp nơi từ Mỹ Đình đến tận thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và xa hơn nữa. Để cho thú chơi thuần Việt này được phục hồi theo lối xưa và mãi bay cao trong các buổi chiều quê, các hội làng, các dịp lễ tết của cả nước, với tư cách là người đã đóng góp nhiều cho việc tổ chức một số liên hoan Diều quốc tế tổ chức tại Việt Nam ,chúng tôi xin đề xuất cùng các cơ quan quản lí văn hóa :
 
- Thành lập một tổ chức với nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam;
 
- Nhanh chóng giúp đỡ để phục hồi các hội chơi Diều của tát cả các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Giao lưu trao đổi giữa các câu lạc bộ của các tỉnh thành giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển để kịp hội nhập với quốc tế;
 
- Thường xuyên tổ chức các hội thi thả Diều riêng biệt hoặc đan xen trong các lễ hội dân tộc;
 
- Tổ chức, hướng dẫn đưa thú chơi Diều trở thành một môn ngoại khóa trong các trường học như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
 
Liên hoan Diều nghệ thuật quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
 
Là người con xa xứ lâu năm cho phép tôi được gửi niềm tâm sự trong lời kết của bài này: Ước nguyện một ngày nào đó được hòa quyện cùng hàng ngàn các em nhỏ thả lên bầu trời những cánh Diều mang theo ước mơ của tuổi thơ như các nước bạn trong khu vực họ đã làm được.
 
Nguồn: Thái An - http://thegioidisan.vn
TIN LIÊN QUAN