Đa tầng văn hóa trong Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào dân tộc Khmer
     
 
LỄ HỘI OK - OM - BOK

Đồng bào Khmer Nam Bộ từ lâu đời đã sinh sống, gắn bó với cộng đồng các dân tộc anh em: Việt, Hoa, Chăm... Hiện nay có khoảng trên 1,3 triệu người Khmer sinh sống ở các tỉnh: Sóc Trăng (350 ngàn), Trà Vinh (320 ngàn), Kiên Giang (180 ngàn), An Giang (85 ngàn)... Ở TP.Cần Thơ có khoảng trên 21 ngàn người Khmer sống rải rác ở các quận, huyện: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ…
Đặc trưng văn hoá của đồng bào Khmer Nam Bộ là sự gắn kết cộng đồng với các phum, sóc, các ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa. Đa số người Khmer Nam bộ đều theo đạo Phật giáo tiểu thừa. Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào Khmer có nhiều lễ hội dân gian lớn trong năm: Chol - chnam -thmây (vào năm mới), Đol - ta (cúng ông bà), Ok - om - bok (Cúng trăng hay đưa nước), Dâng y cà sa.
Lễ hội Ok - om - bok còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ đưa nước của đồng bào Khmer gồm có hai phần:
Lễ hội đua ghe ngo (Um - tuk) được tổ chức vào buổi trưa ngày 15 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Ghe ngo là một loại thuyền đặc biệt có hình dáng dài như một con rắn, phần đầu và phần đuôi cong lên, không có mui, có chiều dài từ 22 - 24m, có khoảng 20 -24 khoang. Chiều ngang ghe khoảng 8 tất, vừa đủ cho 2 quân chèo ngồi, toàn ghe có khoảng 43 - 52 quân chèo. Ghe ngo được làm bằng một thân cây sao nguyên vẹn, rỗng ruột kiểu thuyền độc mộc. Ghe ngo là ghe của một nhà chùa và được xem như một vật thiêng chỉ dùng duy nhất cho cuộc đua ghe hàng năm mà thôi. Ghe ngo được cất giữ cẩn thận trong khuôn viên của nhà chùa, trong một ngôi nhà cao ráo, thoáng đãng gọi là “Rong - tuk”. Theo đồng bào Khmer, mỗi chiếc ghe ngo đều có một vị thần linh trông giữ.
Trước ngày hội đua ghe khoảng một tháng, sư cả của chùa sẽ làm lễ hạ thuỷ ghe ngo. Sư cả sẽ chọn ra số trai tráng khoẻ mạnh trong phum, sóc (xóm, ấp) để làm quân chèo. Số quân chèo này phải vào ở hẳn trong chùa và chịu chế độ chay tịnh, không được về gia đình trong một tháng tập luyện làm.
Trước giờ khai mạc cuộc đua ghe ngo, hai bên bờ sông đã có rất nhiều người dân tụ về xem hội. Hàng năm có khoảng từ 300 - 500 ngàn người đủ các dân tộc Việt, Hoa, Khmer xem hội. Trong khi chờ xem đua ghe, người ta tham gia các trò chơi dân gian: đá cầu, thả diều, đẩy cây, thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào Khmer.
Cuộc đua ghe bắt đầu từ khoảng 11- 12g trưa, hàng năm có khoảng từ 20 - 40 ghe ngo tham gia. Cuộc đua được tiến hành trên một khúc sông khoảng 3 - 5km, được chia làm ba bước: thi loại, vào chung kết và phân hạng.
Đến khoảng 4 - 5 giờ chiều thi cuộc đua kết thúc mọi người trở về phum, sóc để chuẩn bị cho lễ cúng trăng.
Lễ cúng trăng hay lễ đút cốm dẹt, được tiến hành như sau: đêm 15 tháng 10 âm lịch, trước khi mặt trăng lên đỉnh đầu, mọi người tập trung tại khuôn viên chùa, tại các sân nhà hay nhiều nhà cùng đến một nơi rộng rãi không có bóng cây che khuất để làm lễ. Trước tiên họ đào lỗ cắm hai cây trúc (có nơi làm bằng hai cây mía cột chụm đầu lại) thành một cái cổng, trang trí hoa lá. Dưới cổng người ta bày một bàn lễ vật, trước hết là cốm dẹt và một số nông sản khác: chuối, khoai, dừa…. Sau đó, họ trải chiếu mời tất cả mọi người ngồi quay mặt về phía mặt trăng và mời một vị Acha làm chủ lễ. Người ta làm lễ dâng hương, trà và Acha thay mặt mọi người khấn vái, cầu mong thần linh nhận lễ vật, ban phước lành cho mọi người, mùa sau mưa thuận gió hòa để mọi người có mùa bội thu.
Sau lễ cúng, Acha cho gọi các trẻ em đến quỳ chắp tay hướng về mặt trăng sau đó đút vào mồm cốm dẹt, đấm nhẹ sau lưng và hỏi các em ước mong điều gì. Những câu trả lời của các em sẽ được người lớn tin như những dự đoán tốt xấu trong vụ mùa tới.
Sau các nghi thức trên mọi người cùng dùng các thức cúng, trò chuyện, múa hát, còn các trẻ em vui chơi đến khuya thì lễ kết thúc.
Trong lễ hội truyền thống Ok-om-bók, tính đa tầng văn hóa (còn gọi là tính nguyên hợp) là một nét hết sức độc đáo. Tính đa tầng là sự thể hiện đồng thời các mối quan hệ trong một hiện tượng văn hoá: sự đa tầng về ý thức xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, sự kết hợp giữa văn hoá với các hoạt động thực tiễn của đời sống.v.v.

TÍNH ĐA TẦNG VĂN HÓA

Hội đua ghe ngo, trước tiên là vết tích của tục thờ linh vật từ thời nguyên thủy của các cư dân nông nghiệp vùng Đông Nam Á. Người Khmer có tục thờ cá sấu, thờ rắn nước. Người Việt có tục thờ giao long, thuồng luồng về sau được thần linh hóa thành hình tượng rồng, một trong tứ linh kể cả của người Trung Quốc. Mặt khác, hội đua ghe ngo cũng là một nghi lễ tống tiễn thần nước, thần mưa của người Khmer ở vùng hạ lưu sông Mê-Kông. Về sau do ảnh hưởng văn hoá của Ấn Độ, của đạo Bà - la - môn, của đạo Phật, người Khmer giải thích hội đua ghe ngo bằng nhiều truyền thuyết khác nhau.
Theo kinh Rig - Veda, một trong bốn pho truyền thuyết lớn của Ấn Độ, thì thần Visnu - thần bảo vệ là người cưỡi con chim khổng lồ Garuda là vua của các loài chim có mối thù địch với loài rắn mà đại diện là rắn Naga. Garuda thường bắt các nàng tiên cá, tiên rắn về thần phục.
Truyền thuyết này phản ánh mâu thuẫn giữa hai bộ tộc thời nguyên thủy của Ấn Độ. Bộ tộc chuyên săn bắn có vật tổ là chim thần Garuda và bộ tộc chuyên đánh cá có vật tổ là rắn nước Naga. Chiếc ghe ngo mô phỏng hình dạng của rắn Naga đã bị con người cưỡi lên, thần phục.
Theo một truyền thuyết khác, hội đua ghe ngo bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIII. Sau khi vương quốc Campuchia xây dựng xong đền Angkor – wat, nhà vua mới cho tổ chức cuộc đua ghe hàng năm để biểu dương tinh thần thượng võ của quân lính trên sông nước.
Ngày hội đua ghe ngo còn mang đậm triết lý của Phật giáo. Người ta cho rằng đồng bào tổ chức đua ghe để tưởng nhớ đến các dấu vết của Đức Phật đã để lại ở bờ cát trên sông Nimôta thuộc xứ Yônol (Lào). Đua ghe ngo còn nhằm để nhớ đến một chiếc cầu bằng thuyền do Phật lập ra để ngăn chặn cơn đại hạn ở vương quốc Vaicali hoặc để tưởng nhớ một cái răng của Phật được vua loài rắn Naga cất giữ.
Hội đua ghe ngo, theo người Khmer còn gắn với một sự tích liên quan đến các sư sãi và chùa chiền. Thủa xưa, một ngày vào giờ ngọ các sư sãi rời chùa đi khất thực. Khi họ ra về thì bỗng gặp trời mưa to, gió lớn, chung quanh chùa bị ngập nước mênh mông. Nhân dân trong vùng muốn đưa các vị sư sãi về chùa nên đã đua nhau đốn cây đóng thuyền, bè để chở họ. Nước mỗi lúc mỗi lớn, cuộc làm thuyền bè trở nên cấp bách. Người nào làm được thuyền, bè nhanh, chở được nhiều sư sãi về chùa sẽ được phước lớn. Nhiều người tham gia, số thuyền bè mỗi lúc một nhiều và biến thành ngày hội trên sông nươc cho đến ngày nay.
Cũng theo người Khmer, đua ghe ngo còn để cảm ơn đất và nước về những ân huệ, những tặng vật đã ban cho con người. Và đây cũng là dịp để cho con người xin lỗi vì đã làm dơ bẩn Đất - Nước.
Đối với lễ cúng trăng và đút cốm dẹt cho trẻ con, truy nguyên ra cũng là những nghi lễ, tín ngưỡng dân gian và những ý thức về thiên nhiên của cư dân nông nghiệp. Người Khmer làm ruộng theo hai mùa trong năm ở Nam Bộ. Mùa mưa từ 16 thang 04 đến 15 tháng 10 âm lịch và mùa khô tính từ 16 tháng 10 đến 15 tháng 4 âm lịch năm sau. Hai mùa ấy tính theo đường quay vòng trái đất của mặt trăng. Vì thế, ngày 15 tháng 10 âm lịch là ngày cuối cùng của mùa hạ và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu. Trong các loại hoa màu có nếp là sớm nhất. Người ta dùng nếp sớm để giã thành cốm dẹt và một số nông sản khác để làm lễ vật cúng mặt trăng. Mặt trăng vốn là một vị thần điều động mùa màng trong năm. Việc đút cốm dẹt cho trẻ em cũng là nhằm để gởi gắm khát vọng của mình về vụ mùa sau, về tương lai, là sự cầu mong phồn thực.
Tuy nhiên, người Khmer lại giải thích nguồn gốc của nghi lễ này bằng một câu chuyện vừa mang dấu vết của Phật giáo, vừa là mô-típ của một truyện kể dân gian. Nếu như ở người Việt, hình dáng của mặt trăng gắn liền với chuyện cây đa, chú cuội, với Hằng Nga thì người Khmer cho rằng mặt trăng là hình dáng của chú thỏ trắng. Con thỏ trên mặt trăng là tiền kiếp của Phật Thích Ca.
Thỏ sống quanh quẩn bên bờ sông Hằng và kết bạn với khỉ, rái cá và chó rừng. Thỏ hiểu biết hơn 3 con thú kia, biết tham thiền để cầu mong được gần các đấng cao cả. Nhiều năm trôi qua, một hôm trước ngày trăng tròn, thỏ khuyên các bạn ngồi thiền để giữ thân thể luôn sạch sẽ và đi tìm thức ăn để dành cho những người đi ăn xin. Các con thú kia đều đi tìm được nhiều thức ăn để bố thí, chỉ riêng thỏ “ngồi thiền” trước cửa hang. Ý định tốt đẹp của các con vật làm động lòng trời. Thần Sekra, chúa của các vị thần Deve bèn giả người ăn xin xuống trần gian để thử lòng các con vật. Thần đến từng con vật và đều được chúng cho ăn. Khi đến với thỏ, vì không có thức ăn để cho, thỏ đã nhảy vào lửa để biến mình thành thức ăn. Người ăn xin biến mất, thần Sekra hiện ra và ngợi khen nghĩa cử của bốn con vật nhất là hành động của thỏ. Thần Sekra biến thân mình cao lớn đụng tới mây xanh, đưa một tay vịn vào ngọn núi và tay kia vẽ hình của thỏ lên mặt trăng.
Do truyền thuyết trên mà đồng bào Khmer cúng mặt trăng để nhớ đến nghĩa cử cao đẹp của thỏ mà chính là của Phật Thích Ca.
Trong lễ hội Ok- om- bok chúng ta hầu như bắt gặp sự kết hợp đồng thời của hầu hết các thành tố văn hoá dân gian: nghi lễ, tín ngưỡng, trò chơi, nghệ thuật, ẩm thực.
Nếu xét từng thành tố, chúng ta có thể liệt kê như sau:
- Về nghi lễ: Trong lễ hội có các nghi lễ: lễ hạ thủy ghe ngo (một số nơi còn gọi là lễ mặc áo cho ghe ngo), lễ thả đèn nước, đèn gió, lễ cúng trăng.
- Các trò chơi dân gian: đá cầu, đẩy cây, thả diều, thả đèn gió, đèn nước.
- Các loại hình nghệ thuật dân gian, trước giờ tổ chức hội đua ghe ngo người Khmer tổ chức biểu diễn: Hát à- day (đối đáp), múa trống sa - dăm, hát dù - kê (Kịch hát)…
- Mỹ thuật: trang trí sơn phết và chạm trổ đầu và đuôi ghe ngo. Có chiếc được vẽ đầu rồng, đuôi phượng, rắn Naga, có chiếc trang trí bằng các hình lân, quy, hổ, báo, cá sấu. Các mái chèo cũng được trang trí màu sắc cho phù hợp với ghe ngo.
+ Ẩm thực: đó là cách làm các loại bánh trái, lễ vật cúng trong lễ cúng trăng. Đặc biệt là cách làm cốm dẹt, thức cúng chính trong lễ.
Mặt khác, nếu xét chung trong từng hoạt động của lễ hội, chúng ta cũng sẽ nhận thấy sự kết hợp đồng thời giữa các thành tố văn hoá. Trong trò chơi thả đèn gió, trước tiên đây là một nghi thức gởi thông điệp, gởi lời cầu xin mưa thuận gió hòa lên trời vừa liên quan đến một sự tích liên quan đến Phật Thích Ca. Tương truyền rằng đèn gió chính là chiếc răng Phật được thần rắn Naga cất giữ.
Đèn gió được làm ra từ những bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công dân gian kết hợp với những tri thức về khí động học. Thân đèn được làm bằng tre, trúc, giấy bồi mỏng, hình khối lăng trụ và bên trong có chỗ đặt mồi lửa to. Khi đốt lên, đèn sẽ bay lên không trung theo nguyên tắc của một chiếc khinh khí cầu. Trước khi thả đèn gió hoặc đèn nước, người Khmer cũng tiến hành một nghi lễ rước đèn: Sư sãi và bà con Khmer thắp nến, nhang tụng kinh đi xung quanh đèn, sau đó rước đèn đến nơi thả có đoàn múa trống sa-dăm đi theo.
Việc thả đèn gió, đèn nước trong ngày hội đã tạo nên một khung cảnh, không gian đẹp lung linh, huyền ảo, tạo nên nhiều cảm xúc thẩm mỹ cho đông đảo người xem.
Trong đua ghe ngo, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự kết hợp trên. Nguyên thủy chiếc ghe ngo là chiếc thuyền độc mộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Chiếc thuyền độc mộc đó được trang trí mỹ thuật, được linh thiêng hóa bằng các truyền thuyết, thần thoại để trở thành chiếc ghe ngo chỉ chuyên dùng trong ngày hội. Hoạt động chèo ghe để thi thố là một hoạt động phối hợp đồng bộ, nhip nhàng giữa người chỉ huy và các quân chèo, giữa các quân chèo với nhau và giữa quân chèo với người cầm lái.
Toàn bộ chiếc ghe ngo với màu sắc rực rỡ, với 40 - 50 quân chèo nhịp nhàng rẽ sóng lao nhanh về phía trước đã tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ về sức mạnh, về niềm tin chiến thắng của con người trước thiên nhiên.
Lễ hội Ok- om- bok của người Khmer ở Nam Bộ còn là sự kết hợp giữa văn hoá với hoạt động thực tiễn. Xem xét toàn bộ lễ hội Ok - om - bok, chúng ta sẽ nhận thấy đây là sự tái hiện quá trình khai phá đất đai, cải tạo thành đất nông nghiệp trồng lúa nước của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Ban đầu đây là một vùng đất hoang sơ, mênh mông sông nước và nhiều thú dữ. Người Khmer phải hợp sức lại để chinh phục thiên nhiên, tìm ra phương tiện, công cụ để đi lại trên sông nước, chống lại thú dữ. Người Khmer phải biết lợi dụng hai mùa mưa nắng để trồng trọt, canh tác và biết lựa chọn giống cây trồng thích hợp: cây lúa nếp.
Việc “cưỡi” trên chiếc ghe ngo có hình dáng như một con rắn, một con cá sấu to trong ngày hội là sự phản ánh thực tế về sự hoang sơ của vùng đất này vào thời xa xưa.
Người Khmer tổ chức lễ hội Ok - om - bok cũng nhằm giải trí, thư giãn, tái tạo sức lao động sau một vụ mùa vất vả. Sau những ngày vui chơi giải trí một cách lành mạnh, nhất là tham gia hội đua ghe ngo thể hiện sức khỏe, tinh thần chiến thắng, thể hiện cái đẹp, người ta lại tin tưởng bước vào một mùa vụ mới.
Ngày 25/08/2014, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch đã có quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL đưa lễ hội Ok - om – bok tỉnh Trà Vinh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhân lễ hội Ok - om – bok, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch cũng phối hợp các tỉnh, thành tổ chức 7 lần Ngày hội văn hoá - thể thao đồng bào Khmer các tỉnh Nam Bộ thu hút hàng triệu khách tham quan. Xây dựng các tour du lịch trải nghiệm lễ hội truyền thống độc đáo này là một sản phẩm không thể thiếu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch./.

Bài & ảnh: Ngọc Anh

Tài liệu tham khảo:
1.Cao Huy Đỉnh, 2003, Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội.
2.Sơn Phước Hoan, 1998, Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, Nxb Giáo dục,
3.GS. Đinh Gia Khánh, 1989, Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian, Nxb Khoa học Xã hội ,
 
TIN LIÊN QUAN