Cô Chín nặng lòng bánh quê
     
Bánh quê là cách gọi khác của các loại bánh dân gian, do những bàn tay tài hoa của người Nam bộ làm nên. Bà Trương Thị Chiều, thường gọi cô Chín, ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, là một tài hoa như thế. Nối nghiệp làm bánh từ nhà chồng, cộng thêm sự khéo léo, sáng tạo, bánh quê của cô Chín được ưa chuộng giữa nhịp sống thị thành, giúp gầy dựng sự nghiệp cho gia đình.
 
"Ai bánh bò, bánh tằm, bánh chuối, bánh mặn… hôn…"- bà con ven đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần cầu Bình Thủy, mấy mươi năm qua đã quen thuộc với tiếng rao bánh ngọt ngào của cô Chín. Cô rao "tượng trưng" bấy nhiêu nhưng thật ra, xe bánh của cô Chín còn có nhiều loại khác: bánh con sùng, bánh mặn, bánh gói… loại nào cũng thơm phức, dậy mùi thơm, béo ngậy. Xe chất đầy bánh nhưng cô bán khoảng 2- 3 giờ là hết sạch. Cô Chín bán bánh quen thuộc đến nỗi hỏi nhà "cô Chín bánh dân gian", ai cũng biết; bữa nào cô không bán thì bà con nhắc. Riêng cô Chín thì thuộc nếp ăn của từng người: chan nước cốt, rắc muối mè, nhiều đậu phộng… Sự thân tình của chòm xóm kết nối qua những chiếc bánh.
 
 
Cô Chín bán bánh cho khách tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2017.
 
Cô Chín kể, cô là người gốc Bình Định, vào Sài Gòn khoảng năm 1970, làm nghề bán tàu hủ nuôi cha già. Rồi cô quen với chàng trai Dương Hoàng Trung, vốn giỏi nghề làm bánh, học từ mẹ già. Vậy là cô chú cưới nhau, bao nhiêu bí quyết làm bánh mẹ chồng cũng truyền lại cho nàng dâu. Rồi cô chú về Cần Thơ lập nghiệp, 3 người con lần lượt ra đời, lớn lên và học hành đến nơi đến chốn. Tất cả đều nhờ nghề bán bánh dân gian. Chú Chín năm nay đã 66 tuổi, làm bánh từ thuở trai trẻ đến bây giờ. Cô Chín nói vui: "Tay nghề cô chú giờ "kẻ tám lạng người nửa cân", đôi khi chú "nhỉnh" hơn cô!".
 
Mỗi ngày, vợ chồng cô Chín đều thức dậy từ lúc 1- 2 giờ sáng, người xay bột, người nhóm lửa rồi đổ bánh, hấp bánh… Loay hoay đến khoảng 6 giờ, những mẻ bánh thơm ngon được cô Chín đẩy xe đi bán. Nghề mà cô chú nói là "lấy công làm lời" quả rất vất vả, đòi hỏi sự chịu thương chịu khó. Có nhìn cảnh cô chú lụi hụi bên bếp lửa gia đình trong lúc mọi người đang say giấc mới cảm nhận được hết nghĩa tình đồng chồng, đồng vợ.
 
Trong các loại bánh cô Chín làm nên, ấn tượng nhất là bánh tằm se. Cô Chín nói, bánh được làm bằng gạo lúa mùa xay bột rồi hấp lấy trùng, nhồi kỹ rồi đem se bằng tay. Cô Chín se mỗi lần 2 con còn chú se được 3 con. Cứ tưởng tượng, mỗi dĩa bánh tằm từ 10 ngàn đến 15 ngàn, có bao nhiêu con bánh tằm, và cô chú đã bỏ công sức nhiều thế nào. Xề bánh quê của cô Chín rất bắt mắt và hấp dẫn, đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng… nhưng đều là sắc màu thiên nhiên. Màu xanh đậm là từ nước rau bồ ngót, màu tím là lá cẩm, màu vàng đậm là của trái gấc, màu xanh lợt là từ lá dứa… Sự kỳ công trong mỗi chiếc bánh chỉ bán với giá một- hai ngàn đồng, cho thấy cái tâm của người thợ. Cô Chín nói: "Làm nghề gì cũng phải tử tế, làm bánh còn cần sự tử tế, đàng hoàng hơn nữa. Bà con ăn ngon, ăn no mà còn phải đảm bảo sức khỏe". Đó cũng là "đạo nghề" được cô chú gìn giữ suốt gần 40 năm qua.
 
"Bánh dân gian Cô Chín" giờ đã là thương hiệu có tiếng trong làng ẩm thực và du lịch Cần Thơ. Âu đó cũng là thành quả cho đôi vợ chồng nặng nợ với nghề. Ở phương diện văn hóa, vợ chồng cô Chín đang nắm giữ và thực hành những tri thức dân gian độc đáo, gia truyền về bánh dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Nam bộ. Hiện cô Chín đang truyền nghề lại cho cô con dâu Dương Hồng Ngọc. Hiện chị Ngọc đã làm thành thạo khá nhiều thứ bánh và mến nghề của mẹ chồng. Tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ vừa qua, hai mẹ con chị Ngọc làm bánh bán không kịp, vừa bởi bánh ngon vừa bởi sự niềm nở, thân tình. Chị Ngọc nói: "Thấy cha mẹ cực nên chị em trong nhà cũng khuyên nghỉ ngơi nhưng cha mẹ không chịu". Cũng dễ hiểu, nghề đã gắn bó hơn nửa đời người, đã cùng đồng hành cùng bao thăng trầm của gia đình, thì đâu dễ gì bỏ được.
 
Hỏi cô Chín mong muốn điều gì nhất, cô cười hiền: "Chắc ước có sức khỏe để làm bánh hoài. Không làm nhớ lắm!".
 
Nguồn:  ĐĂNG HUỲNH - báo Cần Thơ
 
TIN LIÊN QUAN