Bánh tráng Thuận Hưng
     

Bánh tráng Thuận Hưng không chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa mà đã xuất ngoại tận Campuchia. Bánh tráng Thuận Hưng được ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn đều, dẻo thơm, đặc biệt là rất đều, trăm chiếc như một.

Mới đây, làng bánh tráng Thuận Hưng được UBND TP Cần Thơ công nhận làng nghề và là một trong những sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu khám phá văn hóa miệt vườn của du khách.

Thuận Hưng là một xã nông nghiệp nằm ở hướng nam của huyện Thốt Nốt, cách trung tâm TP Cần Thơ gần 40km. Trải qua bao thăng trầm, hàng trăm năm qua, hạt gạo Thuận Hưng vẫn dẻo thơm và vì vậy nghề làm bánh tráng ở đây vẫn tồn tại chưa bị mai một.

Theo những người lớn tuổi ở địa phương, nghề làm bánh tráng đã hình thành từ hơn 60 năm trước. Mới đầu chỉ có vài hộ làm bánh, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân tại địa phương trong dịp Tết cổ truyền. Dần dần, nhiều người biết tiếng tìm đến đặt hàng, các lò bánh ngày càng mọc lên nhiều và phát triển mạnh trong khoảng 10 năm gần đây. Hiện 9/9 ấp trong xã đều có làm bánh nhưng lò bánh tập trung nhiều ở các ấp Tân Lợi 3, Tân Phú và Tân Thạnh.

Đến Thuận Hưng mùa này, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân trong xã làm bánh, phơi bánh. Những vỉ bánh phơi thành từng hàng thẳng tắp trong nắng, chờ bánh khô, bà con gỡ ra ép thẳng xếp thành từng chục chờ bạn hàng đến lấy. Bánh tráng Thuận Hưng có 4 loại: bánh mặn, bánh lạt, bánh nem và bánh dừa. Bánh mặn là bánh để nhiều muối, dẻo và giữ được lâu hơn so với bánh lạt. Bánh lạt giòn hơn. Bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước cốt dừa và mè. Mỗi loại bánh cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, nhỏ nhất hơn 3 tấc và lớn nhất (bánh đại) gần 4 tấc.

Bà Huỳnh Thị Giáo, ngụ ấp Tân Phú xã Thuận Hưng cho biết: “Bánh tráng ngon phải được làm từ gạo ở Thuận Hưng. Làm bánh ngon thì gạo phải không quá mới, không quá cũ. Lúa gặt về khoảng 6 tháng, xây gạo làm bánh là ngon nhất”. Theo bà Giáo, gạo mới quá thì nhúng nước bánh bị rã, nướng không giòn đều; gạo cũ quá bánh nướng thì xốp nhưng không giữ được vị ngọt. Phơi bánh cũng là một “nghệ thuật” bởi phải canh nắng sao cho khô đều mà bánh không cong vênh, nứt mặt.

Du khách đến Cần Thơ, thăm làng nghề Thuận Hưng thường mua nhiều chục bánh tráng dẻo, dai, mỏng về làm quà. Bánh tráng có thể ăn kèm với rất nhiều món. Thông thường nhất là bánh tráng nhúng cuốn với thịt luộc hay nem chả kèm rau sống, hoặc cuốn với cá hấp, tôm chiên, mực luộc…

Nguồn: Theo Duyên Khánh Nguồn: Canthoonline

TIN LIÊN QUAN