“Ngắm” xứ sở Mặt Trời Mọc ở Cần Thơ
     
Tại chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam- Nhật Bản (Lễ hội Việt- Nhật) đang diễn…

Tại chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam- Nhật Bản (Lễ hội Việt- Nhật) đang diễn ra ở công viên Lưu Hữu Phước từ ngày 11 đến 13-11-2016, những sắc màu văn hóa đặc trưng của đất nước Hoa Anh Đào được tái hiện sinh động. Khách tham quan đắm chìm trong sắc hoa anh đào, trong điệu múa, tiếng trống rộn ràng lễ hội và xúng xính những bộ Kimono đậm bản sắc Nhật.

Cùng chiêm ngưỡng nét đẹp xứ sở Mặt Trời Mọc qua những hình ảnh ghi nhận từ Lễ hội.

Một thiếu nữ Cần Thơ trong trang phục Kimono- trang phục truyền thống của người Nhật. Có mặt ở Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 7, nhưng mãi đến khoảng năm 1910 Kimono mới thịnh hành, thông qua việc trở thành lễ phục của các võ sĩ đạo. Kimono có nhiều loại như Furisode (dùng trong lễ hội), Yukata (dùng khi mùa hè), Houmongi (dùng cho phụ nữ đã có chồng)…

Giới trẻ thích thú hóa thân thành Ninja trải nghiệm trò chơi phóng phi tiêu có thưởng. Ninja là mẫu nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản- sát thủ giỏi võ nghệ, ra tay chớp nhoáng, quen thuộc nhất là hình ảnh Ninja bịt kín người và phóng phi tiêu.

Khách tham quan thích thú với những tạo hình bằng giấy thông qua nghệ thuật xếp giấy Origami. Origami xuất hiện ở Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 6 và trở thành môn nghệ thuật đặc trưng của đất nước này. Từ những mảnh giấy hình vuông hoặc hình chữ nhật, nghệ nhân có thể xếp thành con vật, tĩnh vật… rất sống động.

Một gian hàng giới thiệu và mời khách nếm thử rượu Sa-kê truyền thống. Trong quan niệm của người Nhật, Thần rượu Sa-kê cũng là Thần mùa màng, vì thế rượu Sa-kê giữ vai trò quan trọng trong nhiều sinh hoạt lễ hội, tôn giáo và sự kiện của người Nhật.

Các nghệ nhân biểu diễn trống Wadaiko truyền thống của Nhật Bản. Ban đầu, Wadaiko được dùng để trỗi lên khi các Samurai xung trận; về sau được sử dụng như một nhạc cụ truyền thống của xứ sở Hoa Anh Đào.

Theo baocantho.com.vn

TIN LIÊN QUAN