Cần Thơ hiện được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thuyền chèo - một phương tiện giao thông tại chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.
Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Cần Thơ có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, cùng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại của một đô thị miền sông nước. Tuy nhiên, Cần Thơ chưa có một nền du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng.
Trong tầm nhìn phát triển du lịch đến năm 2030, để tăng cường tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch riêng trong tổng thể bức tranh du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương nhằm tạo điểm nhấn khác biệt cho du lịch Cần Thơ, cũng như gia tăng sự phong phú cho các sản phẩm du lịch của toàn vùng.
Phát biểu trong Hội thảo khoa học "Cần Thơ - Điểm đến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long" do Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi (Đại học Cần Thơ) cho rằng: Cần ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm các giá trị sông nước, dựa trên hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư dọc hai bên sông.
Cụ thể, Cần Thơ có hai chợ nổi nổi tiếng là Cái Răng và Phong Điền. Phần lớn du khách đến Cần Thơ đều tham quan hai chợ nổi này, nhất là khách quốc tế.
Không chỉ trải nghiệm cảm giác bềnh bồng khi di chuyển trên ghe thuyền, khách còn được cảm nhận văn hóa bán buôn hàng hóa nơi sông nước, với hình thức "treo bẹo" trên những cây sào đầu ghe để giới thiệu sản phẩm mình bán, bán "mão" ước lượng không cân, bán một chục nhưng 12 đến 15 quả...
Bên cạnh đó, du khách được thưởng thức ẩm thực dân gian, với các món dân dã được chế biến theo vị rất riêng có tại chợ nổi như bún riêu, cháo lòng, các loại chè...
Về định hướng phát triển nhóm sản phẩm du lịch này, Phó Chủ UBND thành phố Lê Văn Tâm cho biết: Địa phương đã và đang có những kế hoạch nhằm phát triển bền vững.
Theo đó, hiện đề án "Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng" đã được thông qua. Đề án nhằm quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường phục vụ du khách và điều chỉnh các hoạt động của người dân bản địa theo hướng kinh doanh du lịch bài bản, khai thác kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, hệ thống kênh rạch trong nội thành cũng được nạo vét, khai thông để đưa vào phục vụ du lịch, với các tour đưa khách tham quan thành phố bằng ghe.
Khu du lịch bãi cát (được mệnh danh là biển Cần Thơ) đã được thành phố đề ra những chính sách nhằm kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư phục vụ du lịch. Hiện nay đã có khu cafe bãi biển, đua thuyền kayak, đua cano...
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Duyên (Đại học An Giang) đề xuất Cần Thơ nên quy hoạch bài bản nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm đời sống của cộng đồng địa phương.
Nhóm sản phẩm này khá phong phú với các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm sinh hoạt truyền thống của cộng đồng tại các làng quê ven sông, khu cù lao, miệt vườn...
Các địa điểm nên được quy hoạch bài bản vào sơ đồ du lịch cộng đồng thành phố Cần Thơ, bao gồm các nhà vườn thuộc huyện Phong Điền, các cù lao dọc sông Hậu. Du khách tham gia vào nhóm sản phẩm này sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, vào nếp sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng bản địa.
Nổi bật trong nhóm sản phẩm này là mô hình du lịch Cồn Sơn. Đây là điểm đến vẫn còn lưu giữ được nét dân dã, bình dị của vùng sông nước miệt vườn Nam Bộ. Các giá trị văn hóa bản địa cùng nguồn nhân lực tại chỗ được tận dụng tối đa.
Mỗi nhà vườn đều có nét nét riêng biệt, liên kết tạo thành cộng đồng du lịch, với các sản phẩm không trùng lắp, không chèo kéo, chặt chém khách.
Ông Võ Văn Tho, Trưởng Ban Quản lý du lịch Cồn Sơn cho biết: Cồn Sơn có diện tích khoảng 67 ha, với 79 hộ sinh sống, trong đó có 15 hộ tham gia làm du lịch. Du khách đến với Cồn Sơn sẽ được tham quan vườn trái cây, trải nghiệm làm nông dân, làm bánh dân gian, được nghe đờn ca tài tử....
Năm 2016, Cồn Sơn chính thức hoạt động du lịch có bài bản và chỉ chưa đầy hai năm, doanh thu đã tăng từ 30 triệu đồng/tháng lên 200 triệu đồng/tháng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi đề cập đến nhóm sản phẩm du lịch khác là du lịch MICE (Meeting - Incentive - Conference - Event). Đây là hình thức du lịch kết hợp hội họp, khen thưởng, sự kiện, triển lãm.
Nhóm sản phẩm này được xây dựng dựa trên lợi thế về vị trí, vai trò của đô thị trung tâm vùng, cũng như hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Cần Thơ.
Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong những năm qua, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Hàng loạt nhà hàng, khách sạn cao cấp đã được khánh thành như Mường Thanh, Vincom, Ninh Kiều 2..., cùng hệ thống cầu đường đã và đang được thực hiện như cầu đi bộ tại bến Ninh Kiều, cầu Quang Trung 2, cầu Trần Hoàng Na....
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, năm 2016, thành phố đón 1.755.050 lượt khách, trong đó có 258.400 khách quốc tế, tăng 10% so với năm 2015.
Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2016 là 1.826,2 tỷ đồng, trong đó từ khách quốc tế là 342,5 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015./.
http://www.baomoi.com