Cần Thơ đang từng bước hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, đó là du lịch sông…
Cần Thơ đang từng bước hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, đó là du lịch sông nước miệt vườn, đô thị sông nước, cộng đồng… Toàn thành phố và ngành du lịch Cần Thơ đã đầu tư, nâng chất các hoạt động, dịch vụ bổ trợ. Đồng thời, với thế mạnh là trung tâm ĐBSCL, giao thông thuận lợi, Cần Thơ trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển khách gắn với liên kết, mở rộng thị trường.
Nâng chất sản phẩm đặc trưng
Để phát triển du lịch, Cần Thơ không có nhiều ưu thế về cảnh quan tự nhiên, nên thành phố có chính sách vận dụng, khai thác các yếu tố văn hóa, con người, tạo sức hút. Trước đây, du khách tham quan Cần Thơ chỉ theo lộ trình quen thuộc: chợ nổi- nhà cổ- vườn cây trái. Thế nên nhiều du khách đến một lần thì không có ý định trở lại bởi đơn điệu, thiếu trải nghiệm. Vấn đề này sớm được đặt ra và ngành du lịch Cần Thơ đã từng bước chủ động tìm giải pháp để du lịch có những sản phẩm mới, độc đáo.
Với chiến lược đầu tư đúng đắn của Thành ủy- HĐND- UBND, ngành văn hóa – thể thao và du lịch, sự chung tay của các ngành, các cấp, năm qua du lịch Cần Thơ ghi nhận những bước phát triển vượt bậc. Đó là đầu tư để đa dạng hóa loại hình du lịch đô thị sông nước, thiết kế các hành trình trải nghiệm không gian văn hóa- sinh hoạt miệt vườn như: tìm về làng cổ, mỗi ngày một nghề, du lịch cộng đồng, hay trải nghiệm cuộc sống miệt vườn thường nhật của người dân bản địa.
Nổi bật trong số đó là mô hình du lịch cộng đồng tại cồn Sơn (quận Bình Thủy). Không giống với nhiều mô hình cộng đồng ở các vùng miền khác, cồn Sơn mang đến cho du khách đúng chất dân dã “cùng chia ngọt sẻ bùi” với người dân bản địa. Hiện cồn Sơn có 18 hộ dân làm vườn kết hợp với phục vụ du lịch. Mỗi nhà một vẻ, một nét khác biệt thu hút du khách, nhưng vẫn giữ được chất miệt vườn, hồn hậu của người Nam bộ. Từ nhà vườn Song Khánh, Sáu Cảnh, Công Minh đến Thành Tâm, Tín- Hòa, Năm Ẩn… đều mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm như là trở về với gia đình, người thân, với thuở vẫn còn gắn bó với làng quê quanh năm cây lành trái ngọt, tôm cá đầy ao.
Anh Lê Trung Tín (trái) đưa du khách tham quan vườn bằng ghe.
Từ ưu thế miệt vườn, người dân làm du lịch còn sáng tạo những nét độc đáo riêng, như vũ điệu cá lóc bay của gia đình anh Nguyễn Trung Tín. Hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá, anh Tín không chỉ mát tay trong việc chăm sóc cá mà còn huấn luyện chúng biết nhảy múa, tạo niềm vui cho du khách. Du khách chỉ cần thả thức ăn là vô số cá đua nhau nhảy, đủ mọi hình dáng uốn cong, bọt tung tóe, trông rất vui và đẹp mắt. Có khi, cũng chẳng cần thức ăn, từng đàn cá vẫn đua nhau nhảy rào rào, tựa như tranh nhau biểu diễn. Anh Lê Trung Tín cho biết: “Tôi huấn luyện đàn cá này từ nhỏ. Thấy du khách có vẻ thích nên đưa vào phục vụ du lịch khoảng tháng nay”. Điểm khác biệt tại cồn Sơn nữa là du khách còn được trải nghiệm qua mâm cơm cộng đồng, tình làng nghĩa sớm. Bởi lẽ, mỗi món ăn trên bàn là của từng gia đình góp sức, như: lẩu cua đồng của chị Năm Phước, gà xé bưởi của chú Sáu Cảnh, bánh xèo của cô Tám Điền… Cách làm du lịch như vậy có một không hai và để lại nhiều dư vị ấm áp cho du khách bởi lối sống thân tình của bà con nơi đây.
Không chỉ có vậy, du khách đến Cần Thơ còn có hành trình khám phá làng cổ Long Tuyền, tìm lại không gian xưa giữa lòng phố thị. Một hành trình vừa quen vừa lạ khi du khách được tham quan, tìm hiểu các di tích xưa (đình Bình Thủy, nhà cổ Bình Thủy), thưởng thức ẩm thực truyền thống, nghe những câu chuyện kể còn vương vấn ký ức về nếp sinh hoạt của tiền nhân: Du khách sẽ ngỡ ngàng khi được thưởng thức cà phê mộc- loại thức uống của những nhà điền chủ xưa, hay chiếc bánh phồng tôm giòn tan với cách làm truyền thống được truyền nhiều đời của một gia đình trong gia tộc họ Dương. Cần Thơ đã và đang phát triển thêm nhiều điểm đến đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du khách, như: xóm đồ chơi dân gian Út Truyền, hay nhà vườn sinh thái và lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách, ca cao Mười Cương, du lịch nông nghiệp sạch…
Sản phẩm đặc trưng của du lịch Cần Thơ có nhiều thay đổi, được chăm chút làm mới. Anh Nguyễn Hoàng Danh- một trong những người phụ trách Cantho Farm (Bình Thủy), cho biết: “Chúng tôi chỉ đón khách tham quan vào các dịp lễ, Tết. Mỗi đợt, sản phẩm đều được chăm chút, đổi mới. Chúng tôi muốn hướng đến chất lượng để thu hút khách”. Mô hình nông nghiệp sạch- Cantho Farm- đang thu hút nhiều bạn trẻ. Đến đây, du khách tham quan, tìm hiểu về mô hình rau thủy canh, quy trình trồng dưa lưới, dưa leo, khổ qua, cà chua bi… trong nhà kính, tưới bằng phương pháp nhỏ giọt.
Các cấp các ngành của Cần Thơ đã đầu tư rất nhiều công trình, dịch vụ phục du lịch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dần hình thành nét đặc trưng nổi bật du lịch đô thị sông nước. Cầu đi bộ trở thành điểm tham quan được yêu thích của nhiều du khách. Sắp tới, cầu đi bộ sẽ được thành phố đầu tư trở thành không gian trải nghiệm, hình thành nên Điểm du lịch quốc gia Cần Thơ (Bến Ninh Kiều, Cầu đi bộ, các cồn dọc sông Hậu…). Bên cạnh đó, Cần Thơ đang chuẩn bị đưa vào phục vụ hành trình citytour (tour vòng quanh nội ô thành phố), triển khai thực hiện dịch vụ citipass- thẻ tiêu dùng thông minh dành cho du khách đến Cần Thơ.
Liên kết với các thị trường trọng điểm
Cần Thơ trở thành điểm đến đang được quan tâm, thúc đẩy liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế. Trước đây, Cần Thơ đã từng ký kết hợp tác về du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Nội… Trong khu vực ĐBSCL, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang là ba địa phương nằm trong cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và Bạc Liêu. Sự phát triển của mỗi địa phương với những sản phẩm mới đã tạo thêm sự đa dạng cho các tour, tuyến liên kết, nhất là chương trình “Một điểm đến bốn địa phương +”. Theo đó, các điểm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong cụm sẽ được lựa chọn một cách linh động. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành du lịch Cần Thơ đang mở rộng việc ký kết với các địa phương có tiềm năng du lịch.
Tháng 5- 2016, Cần Thơ ký kết hợp tác du lịch với tỉnh Khánh Hòa, mở ra sự kết nối giữa thị trường ĐBSCL và duyên hải Nam Trung bộ. Không lâu sau, Cần Thơ cùng với các tỉnh ĐBSCL ký kết hợp tác với Hà Nội, hình thành sản phẩm “Mười bốn tỉnh, thành phố- Một điểm đến”. Sự hợp tác này không chỉ góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương mà còn liên kết, phát triển thị trường khách nội địa và quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn.
Cuối tháng 11-2016, Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Như vậy, tính đến nay, ngành du lịch Cần Thơ đã có hàng chục ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Sự liên kết này không chỉ góp phần mở rộng thị trường du khách mà còn tác động đến việc hình thành hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt. Cần Thơ cũng đang mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… thông qua các kỳ giao lưu văn hóa, lễ hội. Từ đó, mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội, tạo điều kiện để ngành du lịch thành phố tiếp cận với các thị trường du lịch quốc tế tiềm năng. Chuyên gia du lịch Đỗ Đình Cương cho rằng, bên cạnh việc hợp tác liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước, du lịch Cần Thơ cần mở rộng, hướng tới thị trường quốc tế, nhất là các nước Đông Nam Á, ưu tiên các thị trường Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Cần Thơ đã và đang có những bước đi cụ thể làm thay đổi diện mạo du lịch, khẳng định thương hiệu, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL. Với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh liên kết trong nước và quốc tế, du lịch Cần Thơ đang hình thành những điểm nhấn, thương hiệu riêng.
Nguồn: baocantho.com.vn