Tạo sức hút từ các sản phẩm, sự kiện đặc trưng
     
Cần Thơ đã từng bước hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, đó là du lịch sông nước miệt vườn, đô thị sông nước, cộng đồng… Để tạo sức hút và “thực đơn” phong phú, ngành du lịch Cần Thơ đang nỗ lực đầu tư, nâng chất các hoạt động, dịch vụ bổ trợ, nhất là từ các sự kiện đặc trưng.

 

Cần Thơ đã từng bước hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, đó là du lịch sông nước miệt vườn, đô thị sông nước, cộng đồng… Để tạo sức hút và “thực đơn” phong phú, ngành du lịch Cần Thơ đang nỗ lực đầu tư, nâng chất các hoạt động, dịch vụ bổ trợ, nhất là từ các sự kiện đặc trưng.

* Nâng chất các sản phẩm du lịch

Đề án Điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể Phát triển Du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, xác định ngoài thế mạnh sông nước miệt vườn, du lịch Cần Thơ còn có tiềm năng về loại hình đô thị sông nước. Khoảng 2 năm nay, Cần Thơ có nhiều công trình, trung tâm thương mại tạo điểm nhấn đặc sắc. Điển hình, Cầu đi bộ Cần Thơ nối từ bến Ninh Kiều sang cồn Cái Khế mới đưa vào hoạt động gần 2 tháng, đang trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan. Để hút khách, ngành du lịch thành phố đang lên kế hoạch bổ sung thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí: biểu diễn đường phố, đờn ca tài tử, tổ chức chợ đêm du lịch theo đúng kiểu truyền thống trên bến dưới thuyền… Dọc cung đường từ cầu đi bộ- Biển Cần Thơ- bến phà cũ (đường Trần Phú) sẽ được trồng thêm nhiều cây xanh, các loại hoa tạo không gian xanh mát. Hiện trên cầu đi bộ đã có vài bạn trẻ biểu diễn tạo hình bong bóng nghệ thuật, góp phần cho điểm đến thêm sinh động.

Ban đêm, Cầu đi bộ sáng lung linh dưới ánh đèn, thu hút hàng ngàn du khách tham quan.

Cùng với cầu đi bộ, du thuyền trên sông là sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn du khách, góp phần hình thành loại hình du lịch sông nước đô thị của Cần Thơ. Chị Ngọc Hà, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Du thuyền trên sông, ngắm cảnh Cần Thơ về đêm thật thi vị. Chúng tôi phải xếp hàng rất lâu mới được lên du thuyền. Từ du thuyền, ngắm cầu đi bộ từ xa rất đẹp!”. Hiện bến Ninh Kiều có hai du thuyền (du thuyền Cần Thơ và du thuyền Ninh Kiều), mỗi chiếc có sức chứa từ 500-600 khách.

Điểm nhấn khác về du lịch sông nước mà du khách không thể bỏ qua khi đến Cần Thơ là chợ nổi Cái Răng. Đặc biệt, mới đây, văn hóa chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. UBND quận Cái Răng đã có đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng”. Theo đề án, chợ nổi sẽ có nhiều dịch vụ, hoạt động, để tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Cần Thơ, cho biết: “Thời gian tới, chợ nổi Cái Răng sẽ có đài quan sát, nhà hàng nổi, quầy bán hàng lưu niệm, nhiều hoạt động văn hóa độc đáo…”.

Du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử- văn hóa cũng đang phát triển mạnh mẽ ở Cần Thơ, nhất là ở quận Bình Thủy. Hiện quận Bình Thủy có hai làng du lịch cộng đồng: cồn Sơn và phường Long Tuyền. Nếu Long Tuyền phát triển thế mạnh làng nghề (làng hoa, rau sạch, làm đồ chơi dân gian) thì cồn Sơn lại có nét đặc thù với hệ sinh thái sông nước: vườn cây trĩu quả- làng bè- vườn cò. Bà Lê Thị Bé Bảy, Phó phòng Văn hóa- Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng thêm các dịch vụ phục vụ khách nghỉ đêm ở cồn Sơn. Đến Bình Thủy, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với loại hình du lịch đường sông gắn với văn hóa- di tích lịch sử và cộng đồng”.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Ngoài phát triển các sản phẩm độc đáo (du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Sơn, khu di tích Giàn Gừa, chùa Pothi Somrôn, vườn cò Bằng Lăng…), ngành du lịch thành phố hỗ trợ các quận, huyện phát triển thế mạnh của từng địa phương. Ví dụ, Ninh Kiều đẩy mạnh loại hình sông nước đô thị, du lịch Mice (hội nghị, hội thảo); Bình Thủy phát triển du lịch di tích lịch sử- văn hóa- cộng đồng; Cái Răng nâng chất sản phẩm du lịch sông nước (chợ nổi Cái Răng), homestay; Phong Điền phát triển các sản phẩm sông nước miệt vườn…”

* Xây dựng sự kiện du lịch đặc trưng

TP Cần Thơ đang chủ động gầy dựng các sự kiện văn hóa- thể thao- ẩm thực đặc trưng để thu hút du khách. Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Cần Thơ, thông tin: “Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ là một trong ba sự kiện quan trọng (cùng với giải việt dã và marathon toàn quốc báo Tiền Phong và cuộc thi tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc) mà Cần Thơ đăng cai tổ chức để hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- ĐBSCL. Không những thế, các quận, huyện phải chọn sự kiện tiêu biểu của địa phương để tạo điểm nhấn về du lịch, như: Ngày hội sông nước miệt vườn Phong Điền, hay Lễ hội trái cây Tân Lộc của Thốt Nốt… Các sự kiện này dần tạo thành chuỗi sự kiện đặc trưng của Cần Thơ, góp phần thu hút du khách”. Năm nay, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ có chủ đề “Đặc sản Nam Bộ hướng đến hội nhập”, diễn ra từ 15- đến 19-4, tại Vòng xoay Cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều. Lễ hội có quy mô 150 gian hàng, hơn 200 loại bánh dân gian và các món ăn đặc sản trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hiện diện của nhiều quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động như: nghệ nhân trình diễn nghệ thuật làm bánh và phục vụ các món bánh dân gian; cuộc thi làm bánh ngon dân gian thời hội nhập; các trò chơi dân gian, biểu diễn đờn ca tài tử, viết thư pháp; quảng bá điểm đến du lịch- ẩm thực Cần Thơ; biểu diễn nhạc cụ truyền thống và múa dân gian các nước ASEAN…

Ngày hội sông nước miệt vườn Phong Điền (ngày 27-9) của huyện Phong Điền và Lễ hội trái cây Tân Lộc (mùng 5-5 âm lịch) của quận Thốt Nốt cũng tạo được điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ. Ngoài ra, Cần Thơ còn có các sự kiện đang được chú ý khác như: Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy (dự kiến từ ngày 18 đến 20-5 dương lịch ), Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng (ngày 9-7), Lễ Ok Om Bok tại chùa Pothi Somrôn (liên quận huyện Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai, 15-10 âm lịch), Giải đua thuyền truyền thống lần I (huyện Vĩnh Thạnh)…. Bà Lê Thị Bé Bảy, Phó phòng Văn hóa- Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: “Từ thành công của Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy năm 2015, năm nay địa phương sẽ nâng chất lễ hội với khoảng 10 hoạt động đặc sắc: hội thi hoa lan, hát tuồng cổ, đua thuyền… Riêng hội thi bánh ngon trong Lễ Kỳ yên Thượng điền sẽ nâng thành lễ hội ẩm thực với sự tham gia của các quận, huyện khác”. Ông Đặng Thanh Trà, Phó phòng Văn hóa- Thông tin quận Cái Răng, cũng cho biết: “Năm nay, lần đầu tiên quận Cái Răng tổ chức Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng (dự kiến diễn ra ngày 9-7). Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động về văn hóa, nghệ thuật đặc trưng gắn với nếp sống sinh hoạt của người dân sông nước Nam Bộ”.

* * *

Xây dựng sản phẩm và sự kiện du lịch đặc trưng cho Cần Thơ đã và đang được ngành du lịch triển khai, thực hiện trong thời gian qua. Bước đầu đã tạo ra nhiều sản phẩm, sự kiện độc đáo du khách như: cầu đi bộ, du lịch cộng đồng cồn Sơn, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Ngày hội sông nước miệt vườn Phong Điền, Lễ hội trái cây Tân Lộc… Hy vọng với định hướng này, Cần Thơ sẽ có thêm nhiều sản phẩm, lễ hội đặc trưng, trở thành thương hiệu của thành phố, thu hút du khách.

Bài, ảnh: Ái Lam

Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/

TIN LIÊN QUAN