Nhóm PV Kinh tế Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 45(*) – từ một địa phương còn nhiều khó…
Nhóm PV Kinh tế
Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 45(*) – từ một địa phương còn nhiều khó khăn, TP Cần Thơ nắm thời cơ, chuyển mình bứt phá mạnh mẽ. Cần Thơ giờ đã là đô thị hiện đại, đậm đà bản sắc miền Tây sông nước. Cần Thơ có hệ thống cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… vào loại hiện đại bậc nhất vùng ĐBSCL. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và cả hàng không trên địa bàn thành phố đã và đang phát triển theo hướng kết nối, đưa hàng hóa trong vùng tỏa ra các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế.
Thời kỳ hội nhập và phát triển, TP Cần Thơ tiếp tục củng cố nội lực, nâng tầm liên kết; vai trò “hạt nhân” động lực phát triển ĐBSCL của thành phố tiếp tục được khẳng định tại Kết luận số 07 của Bộ Chính trị (**). Đây được xem động lực mới để TP Cần Thơ bước sang giai đoạn phát triển bền vững.
Lực đẩy
TP Cần Thơ trẻ, năng động, đầy tiềm năng với hoạt động giao thương nhộn nhịp, sầm uất. Ðó là cảm nhận chung không chỉ của bạn bè gần xa mà ngay cả những người có duyên gắn bó lâu năm với Cần Thơ khi nói về vùng đất này. Thế nhưng ít ai biết rằng, song song với hoạt động “bề nổi”, Cần Thơ đang tập trung nội lực, lấy thương mại, dịch vụ làm nền tảng, bệ phóng thúc đẩy công nghiệp phát triển, phấn đấu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp.
* Chuyển dịch đúng hướng
Dấu ấn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ giai đoạn 2004-2015 được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định tập trung theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng dần tỷ trọng các ngành có hàm lượng tri thức, công nghệ cao; giảm tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động; đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Là người theo sát quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố nhiều năm qua, Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng khoa Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, đúc kết: “Dễ nhận thấy trong giai đoạn 2004-2015, kinh tế khu vực I (nông nghiệp) tăng trưởng thấp và không ổn định. Kinh tế khu vực II (công nghiệp) tăng trưởng ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay kinh tế khu vực II có dấu hiệu giảm đà tăng trưởng. Kinh tế khu vực III (thương mại, dịch vụ) đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2004-2015. Mặc dù đối mặt với khủng hoảng kinh tế nhưng khu vực kinh tế này vẫn tăng trưởng khá ổn định và duy trì ở mức cao nhất”.
Cảng Tân Cảng – Cái Cui khánh thành cuối năm 2016, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ và ĐBSCL.
Ảnh: ANH KHOA
Nhìn lại bức tranh kinh tế của Cần Thơ từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có thể thấy bước phát triển vượt bậc của ngành thương mại, dịch vụ với nhiều loại hình. Kết cấu hạ tầng thương mại từng bước được hoàn thiện góp phần tăng thêm năng lực bán buôn, bán lẻ hàng hóa và bước đầu thể hiện vai trò tổng đại lý, trung tâm phân phối hàng hóa cho toàn vùng ĐBSCL. Song song đó, hướng đến mục tiêu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Cần Thơ diễn ra mạnh mẽ. Kết quả này từng bước đưa TP Cần Thơ thành địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao của vùng ĐBSCL. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, đánh giá: Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao (sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa dược, hàng tiêu dùng…) và ngành công nghiệp truyền thống (chế biến lương thực-thực phẩm, thủy-hải sản, đồ gỗ xuất khẩu…) tiếp tục phát triển ổn định. Không chỉ vậy, công nghiệp của thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, nâng dần tỷ lệ tinh chế trong sản phẩm từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm…
Tại các quận, huyện cơ cấu kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng có sự phân nhóm rõ nét. Ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy tỷ trọng khu vực I rất thấp. Trong khi Ninh Kiều phần lớn phát triển thương mại, dịch vụ thì Bình Thủy lại nổi trội về công nghiệp, xây dựng. Cơ cấu kinh tế tại các quận Ô Môn, Cái Răng và Thốt Nốt cũng có sự chuyển mình theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế tại các huyện có ưu thế về nông nghiệp như: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Phong Điền đã chuyển sang hướng giảm dần tỷ trọng khu vực I và tăng nhanh dần tỷ trọng khu vực II. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Là huyện ngoại thành, xuất phát điểm thấp, song quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời gian qua của Thới Lai được đánh giá đúng hướng. Nhìn chung, lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ đều có bước tăng trưởng khá cả về quy mô lẫn giá trị”.
* Vạch lộ trình phát triển
Bước sang giai đoạn phát triển mới, TP Cần Thơ xác định quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục bám sát tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. UBND thành phố đã “đặt hàng” Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ xây dựng Đề án “Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP cần Thơ đến năm 2020”. Theo Đề án được phê duyệt, cơ cấu kinh tế thành phố giai đoạn 2016-2020 chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, cơ cấu kinh tế của thành phố đã có sự uyển chuyển, thay vì công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp so với trước đây, để thích ứng với tình hình mới. Bởi thực tế, nếu Cần Thơ tập trung phát triển công nghiệp thời điểm hiện tại rất khó vì kết cấu hạ tầng, dịch vụ đi kèm… chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư lớn. Cho nên, chuyển hướng sang “sở trường”-thương mại, dịch vụ để làm bệ phóng đẩy “sở đoản”-công nghiệp phát triển trong giai đoạn 2020-2025 là bước đi hợp lý.
Với hướng đi được tính toán ấy, Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, giải thích thêm: Đề án “Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP Cần Thơ đến năm 2020” tập trung đề xuất các giải pháp tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa thành phố giai đoạn tiếp theo và phát huy lợi thế so sánh về nông nghiệp của toàn vùng ĐBSCL. Song song đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu. Đề án đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao như trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Cơ cấu kinh tế phát triển hài hòa hai khu vực II và III, trong đó thúc đẩy khu vực II tăng trưởng mạnh mẽ và tiếp tục duy trì sự phát triển của khu vực III như hiện tại.
Để mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt được như kỳ vọng, bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố tiếp tục đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh như dịch vụ, du lịch, công nghiệp với hàm lượng khoa học công nghệ cao; các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao… Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của thành phố, Trung ương, và các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, nội lực là nhân tố quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng”. Tiến sĩ Trần Thanh Bé, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế-xã hội TP Cần Thơ thì cho rằng, trong định hướng phát triển các khu vực kinh tế, TP Cần Thơ cần lưu ý phát triển theo hướng chế biến tinh, sâu, công nghệ cao, tránh tình trạng thâm dụng lao động. Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư các trung tâm phân phối, chợ đầu mối, trung tâm logistics và các dịch vụ chất lượng cao… vì đây là các lĩnh vực mà thành phố đã có sẵn lợi thế. Ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”, sản xuất theo quy trình GAP, cung ứng giống cây/con cho cả vùng ĐBSCL.
Như vậy, lộ trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở giai đoạn tiếp theo đã được thành phố vạch rõ. Dịp cuối năm, trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển thành phố, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tâm huyết: Thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục tập trung nguồn lực, từng bước thực hiện hoàn thiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ, siêu thị khu vực nông thôn… Thành phố định hướng phát triển công nghiệp tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng, công nghệ cao; điều chỉnh cơ cấu ngành và sản phẩm công nghiệp để hình thành những ngành hàng giữ vai trò chủ lực. Đồng thời, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; tích cực thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh với các tỉnh vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Song song đó, cùng với việc đón nhận nguồn lực, cơ hội mới từ hội nhập kinh tế quốc tế hứa hẹn tạo lực đẩy trong quá trình chuyển dịch cơ cấu, đưa kinh tế thành phố bước sang cuộc bứt phá mới.
MỸ THANH
Nâng tầm liên kết
Khởi nguồn là việc thành lập Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm (KTTÐ) vùng ÐBSCL(*), rồi đến việc triển khai thực hiện Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng ÐBSCL giai đoạn 2016 – 2020(**). Các tiểu vùng Ðồng Tháp Mười, Bắc sông Tiền, sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên,… hình thành để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng tầm liên kết cùng phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nối vòng tay lớn
Tin vui được các địa phương ĐBSCL đón nhận trong năm 2016: lãnh đạo các địa phương trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười chính thức ký kết bắt tay cùng phát triển. “Chúng tôi không đặt vấn đề liên kết toàn diện 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An – hay nói cách khác là từng tỉnh vẫn thực hiện chiến lược phát triển riêng, đồng thời tập trung gắn kết và phát huy giá trị liên kết các ngành, lĩnh vực trong sự tương đồng và tương quan của không gian Đồng Tháp Mười. Các khu vực còn lại của mỗi tỉnh giữ vai trò tương tác với Tiểu vùng thực hiện các mục tiêu đã đề ra”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ.
Vùng ĐBSCL còn có các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp khác như: Tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ), Bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, một phần tỉnh Kiên Giang; Hậu Giang và TP Cần Thơ); tiểu vùng giữa sông Tiền, sông Hậu (Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh)… Bộ NN&PTNT chủ trì cùng các địa phương đã ngồi lại với nhau để vạch ra chiến lược hướng đến mục tiêu chung. Đó là: Liên kết phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung giao thông thủy lợi; liên kết về bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước; liên kết về quy hoạch vùng sản xuất; liên kết hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; khuyến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản “Nâng cao sinh kế và ứng phó BĐKH”… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao kèo với các địa phương: UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với các tỉnh thuộc tiểu vùng bán đảo Cà Mau xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng bán đảo Cà Mau”. UBND tỉnh An Giang chủ trì phối hợp với các tỉnh thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”. UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười các cơ quan liên quan thực hiện liên kết tiểu vùng, phát triển bền vững… Những “phát pháo” này kỳ vọng tiến xa hơn phát huy thế mạnh từng tiểu vùng, từng địa phương trong tiểu vùng và cả ĐBSCL.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An bắt tay hợp tác phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Ảnh: MỸ HOA
Ðồng thuận để phát triểnVới vai trò trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ nâng tầm liên kết khi chủ động hợp tác với nhiều địa phương trong khu vực Tây Nam bộ, với TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu và Trường Đại học Cần Thơ trên nhiều lĩnh vực mũi nhọn như: công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ… Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: TP Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, trung tâm động lực của vùng trên nhiều lĩnh vực. Để thực hiện mục tiêu, TP Cần Thơ đã xây dựng một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó các giải pháp liên kết vùng được chú trọng. Cụ thể, thành phố mở rộng các liên kết “song phương” hiện hữu sang các liên kết “đa phương” để huy động sức mạnh của toàn vùng trong thực hiện các quan hệ kinh tế. Thành phố cũng đề xuất các dự án cấp vùng do các địa phương cùng chung tay thực hiện, như: dự án về dữ liệu vùng, dự án nghiên cứu chống biến đổi khí hậu…
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020. Đây được xem là một trong những bước khởi đầu để nâng tầm liên kết vì mục tiêu phát triển bền vững của các địa phương vùng KTTĐ vùng ĐBSCL (TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và cả vùng ĐBSCL. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch Hội đồng vùng luân phiên vùng KTTĐ vùng ĐBSCL nhiệm kỳ 2015-2016, cho biết: Một trong những thành công lớn là thành viên Hội đồng vùng đã thống nhất thông qua Kế hoạch Liên kết phối hợp toàn vùng KTTĐ vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội của từng địa phương xét trong lợi thế so sánh của toàn vùng KTTĐ vùng ĐBSCL trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng, cùng khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của vùng, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của vùng KTTĐ vùng ĐBSCL so với cả nước. Đặc biệt, “xương sống” cho sự kết nối đã được Hội đồng vùng thống nhất kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương, tập trung nguồn lực, hỗ trợ thực hiện. Đó là xây dựng một số công trình trọng điểm, như: Tuyến cao tốc Cần Thơ – Châu Đốc. Đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam (Giai đoạn 2: đoạn nối từ cụm Khí Điện Đạm Cà Mau đến quốc lộ 1). Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn). Dự án thi công đê và cống ngăn mặn từ thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến TP Cà Mau. Xây dựng các nhà máy nước Sông Hậu 1, Sông Hậu 2, Sông Hậu 3. Xây dựng Viện Công nghệ sinh học và hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các trường đại học thuộc các tỉnh trong vùng KTTĐ.
Hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra một cách sâu rộng. Trong bối cảnh này, vấn đề liên kết trở nên bức thiết hơn. Với vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đại biểu HĐND các tỉnh ĐBSCL không đứng ngoài cuộc. Chủ đề “Liên kết vùng” được chọn làm tiêu điểm trong Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND diễn ra vào thượng tuần tháng 11. Các đại biểu HĐND tâm tư: Phải có kỷ cương liên kết và xử lý nghiêm những địa phương không tuân thủ. Trong chương trình hoạt động, HĐND các địa phương cần quan tâm, đưa vào chương trình, kế hoạch, theo dõi, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên kết vùng, liên kết khu vực của Trung ương ban hành. Trung ương cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế về tổ chức điều phối chung, cơ chế về tài chính…
Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho rằng: Liên kết hướng đến chỉ tiêu phát triển chung là vấn đề bức thiết. Các Bộ, ngành trung ương cần sớm phê duyệt, ban hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của ĐBSCL. Chính phủ cần ủng hộ cơ chế chính sách đặc thù, nhất là các cơ chế thu hút vốn đầu tư vào các dự án phục vụ cho toàn vùng, như: ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; nâng cấp đô thị… Có như vậy mới thúc đẩy mối liên kết cùng phát triển. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre (địa phương đăng cai Hội nghị) chia sẻ đầy tâm huyết: HĐND các địa phương vùng ĐBSCL không kỳ vọng giải quyết vấn đề to lớn và phức tạp. Bởi vấn đề này cần có sự vào cuộc của cả Trung ương lẫn từng địa phương trong một thời gian dài. Nhưng ít nhất, chúng ta cũng đạt được một nhận thức chung về liên kết vùng, làm cơ sở cho sự phối hợp hành động trong tương lai. Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của HĐND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL trong việc lựa chọn chủ đề liên kết vùng. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: “Liên kết vùng là chủ đề khó, lần đầu tiên trong cả nước được HĐND các tỉnh, thành ĐBSCL đưa ra bàn bạc, thảo luận. Tôi tin rằng, đây là cơ hội quý báu để các đại biểu của nhân dân trao đổi kinh nghiệm, đóng góp, kiến nghị nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân”.
* * *
Liên kết đồng thuận vì mục tiêu phát triển, vì tương lai tươi sáng của khoảng 18 triệu cư dân vùng ĐBSCL đã và đang được các địa phương trong vùng ĐBSCL ngày càng hoàn thiện và nâng tầm, mà đặc biệt TP Cần Thơ đã và đang thể hiện vai trò “đầu tàu” của mình. Từ những bước đi liên kết chúng ta có quyền kỳ vọng vựa lúa, vựa cá và vựa thủy sản của cả nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
—–
(*) Quyết định số 2059/QĐ –TTg ngày 24-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020
(**) Quyết định 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020.
QUANG ĐĂNG
Hợp lực đầu tư
“Về Cần Thơ đi! Cần Thơ giờ thay đổi nhiều lắm. Có Cảng Hàng không Quốc tế, có cảng biển nước sâu… Không chỉ vậy, hạ tầng cơ sở của thành phố có thể tổ chức những sự kiện mang tầm vóc quốc tế… Về Cần Thơ đi! Chính quyền thành phố luôn nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển!”. Đó là lời mời gọi, rủ rê của tôi đến Đinh Văn Phường – bạn “nối khố”. Phường theo mẹ định cư ở Úc từ thời chúng tôi học lớp 4, lớp 5 trường làng. Bẵng một thời gian, hơn năm trước, vô tình chúng tôi trở thành bạn bè trên facebook. Bạn tôi giờ là một ông chủ của hệ thống cửa hàng buôn bán thời trang bên đó. Có lần Phường tâm sự: “Mấy chục năm rồi, tớ chưa về Cần Thơ! Tớ chỉ nhớ mang máng là tụi mình ở xã An Bình (hiện nay là một phần thuộc phường An Khánh, quận Ninh Kiều – người viết) ngày xưa khó khăn lắm. Nhà mình nền đất, mái nhà lợp bằng tre lá, đường sá sình lầy… Tụi mình đã là U40 rồi. Con cái giờ cũng tầm tụi mình ngày xưa. Tớ muốn quay về nơi chôn nhau cắt rốn! Để con cái mình biết tổ biết tông! Và trên hết, về để tìm cơ hội làm ăn, góp một phần sức phát triển quê mình!”.
Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Tôi trả lời Phường: Nơi mình ở giờ là trung tâm, xe hơi vô tận nhà rồi. Cần Thơ giờ khác xưa nhiều lắm! Từ TP Hồ Chí Minh, chừng vài tiếng đồng hồ là bạn đã có mặt ở Cần Thơ. Và cũng chừng vài tiếng đồng hồ, nếu bạn muốn là có mặt ở Hà Nội. Đêm ở Cần Thơ, bạn có thể đi bộ dạo và ngắm cảnh bến Ninh Kiều. Thong dong lên cầu đi bộ ngắm nhìn cầu Cầu Thơ lung linh ánh đèn màu in xuống dòng sông Hậu! Đi dạo mỏi chân, bạn có thể lên du thuyền Cần Thơ. Vừa thưởng thức nhiều món ăn từ dân dã đến cao cấp, vừa nghe đờn ca tài tử – “món” mà ngày xưa tụi mình hay ngân nga, và có thể nhìn toàn cảnh bến Ninh Kiều từ sông Hậu. Ở đó, bạn không khó nhận ra cầu đi bộ như đóa sen mọc lên từ sông Hậu, khách sạn Ninh Kiều với kiến trúc cách điệu là con tàu vượt sóng ra khơi… Và phía xa xa là khách sạn Mường Thanh đạt tiêu chuẩn 5 sao – điểm diễn ra các sự kiện chính của Hội nghị “Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần X tại TP Cần Thơ”… Những phối cảnh nên thơ của đô thị miền sông nước đã giúp Cần Thơ là thành phố duy nhất của Việt Nam đạt danh hiệu cảnh quan châu Á năm 2016!
Thành phố bây giờ đã thu hút nhiều “ông lớn” đến để đầu tư phát triển, như: tập đoàn VinGroup, tập đoàn Mường Thanh… Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Cần Thơ đã trở thành trung tâm của vùng về giáo dục và y tế. Theo đó, thành phố mình có 5 trường đại học, phân hiệu Đại học Kiến trúc, Học viện Chính trị – Hành chính (khu vực IV); 5 trường cao đẳng, phân hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP Hồ Chí Minh, 12 trường trung cấp chuyên nghiệp, 73 cơ sở dạy nghề. Quy mô hệ thống giáo dục bậc đại học và cao đẳng thành phố đứng đầu ĐBSCL. Hiện nay, thành phố có 1 bệnh viện đa khoa, 11 bệnh viện chuyên khoa, 2 chi cục, 9 trung tâm chuyên ngành. Ngoài ra, còn có 7 đơn vị, gồm: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ do Bộ Y tế quản lý, Bệnh viện 121 do Quân khu 9 quản lý, Bệnh viện Công an và 3 bệnh viện ngoài công lập.
Hệ thống giao thông thành phố những năm qua được tăng cường đầu tư ngày càng hoàn thiện cả về đường bộ, đường thủy, cảng biển và đường hàng không, giữ vai trò là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế… Vì thế giờ đây, từ thành phố, có thể dễ dàng đi ô tô tới các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ với các đường bay nội địa và quốc tế: Cần Thơ – Hà Nội, Cần Thơ – Đà Nẵng, Cần Thơ – Đài Bắc… rút khoảng cách đồng bằng gần hơn đối với những nơi đến. Từ cảng Cái Cui, hàng hóa của thành phố, các tỉnh trong vùng tập kết và lan tỏa đi khắp các nước trên thế giới. Giao thông nội thành cũng được nối kết bằng trục dọc, trục ngang, đường hẻm, giao thông nông thôn nối với đường tỉnh, nối quốc lộ… như mạch máu tuần hoàn từ thành thị tới nông thôn, chung sức xây dựng thành phố ngày càng giàu, đẹp.
* * *
Kết quả trên là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hơn 10 năm qua. Nỗ lực nhằm huy động mọi nguồn lực tập trung để thành phố phát triển nhanh và bền vững. Vấn đề này, báo cáo với Bộ Chính trị vào tháng 9 năm rồi, ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, điểm xuyến: Các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn được huy động ngày càng tăng, nhất là nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân và dân cư. Trong 10 năm, 2005-2015, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt 273.248 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 23%/năm; năm 2015 gấp 9,8 lần so với năm 2004. “Những kết quả đổi mới về cơ chế chính sách, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo điều kiện huy động được một khối lượng lớn nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước: đầu tư nước ngoài tăng bình quân 20,53%/năm, đầu tư của dân cư và tư nhân tăng bình quân 22,9%/năm”- ông Trần Quốc Trung đúc kết.
TP Cần Thơ đã quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) thành phố; tổ chức gặp gỡ đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với doanh nghiệp trên địa bàn định kỳ hằng tháng nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kết quả nổi bật nhất là thời gian chờ đăng ký và cấp giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được thành phố rút ngắn nhất trong hơn 10 năm qua. Thời gian để chuẩn bị và hoàn tất sửa đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm mạnh từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Nỗ lực này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và được định lượng qua kết quả điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện. Đó là: Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính được các doanh nghiệp ghi nhận có cải thiện tích cực, từ 51 đến trên 70% về thời gian thực hiện các thủ tục giấy tờ đơn giản hơn, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần, cán bộ công chức làm việc hiệu quả, thân thiện và nhiệt tình. Theo công bố kết quả xếp hạng Chỉ số PCI năm 2015 do VCCI thực hiện, TP Cần Thơ xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nâng 1 bậc so với năm 2014) đứng hạng thứ 5 trong vùng ĐBSCL và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Khá”. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, kỳ vọng: Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, có được hạ tầng tốt cho khởi nghiệp, như: hệ thống vườn ươm doanh nghiệp, các trung tâm giáo dục, đào tạo nghề, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, hệ thống thông tin kết nối và đô thị dịch vụ phát triển… thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực từ các nơi đến làm việc và phát triển kinh doanh. Đây là những nền tảng cho thành phố tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư phát triển cho mai sau.
* * *
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, “những năm tiếp theo, TP Cần Thơ xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, thành phố đặt trọng tâm vào các nội dung cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Phấn đấu TP Cần Thơ được đánh giá là “Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt” trong PCI. Đặc biệt, thành phố khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cam kết.
Thành Đạt
Ðiểm hẹn giao thương
Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hằng năm của TP Cần Thơ đạt 12,19%, trong đó, khu vực thương mại – dịch vụ tăng bình quân 14,07%/năm và đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 57,8% trong cơ cấu GDP. Năm 2016 đạt 95.624,6 tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm 2015. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố xác định thương mại – dịch vụ chiếm vị trí hàng đầu trong cơ cấu kinh tế, với mục tiêu đưa thành phố Cần Thơ vươn lên xứng tầm là một trung tâm thương mại – dịch vụ của vùng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại – dịch vụ với mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, trong đó hướng đến mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cứ vào chợ Tết thì biết ngay năm nay đời sống của người dân sung túc hay không. Hàng hóa chất đầy sạp, người mua sắm nhộn nhịp tới tận chiều 30 Tết… Mấy năm nay cái “thước đo” vô hình về sự ăn nên làm ra ấy lại được bổ sung thêm lượng giá mới khi chị Ba nói nhỏ vào tai tôi: “Em đi siêu thị ngày thứ 6 “Black Friday” chưa, khuyến mãi siêu “khủng”, giảm giá 50% lận…”. Giảm giá, khuyến mãi cuối năm đã quá quen với người dân phố thị khi mà Cần Thơ có hàng loạt các Trung tâm thương mại (TTTM) đồng loạt mời gọi “thượng đế” đến với mình.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C.
Hơn 10 năm phát triển cùng thành phố, Siêu thị Co.opmart Cần Thơ đã giúp người dân đất Tây Đô tiếp cận với kênh thương mại hiện đại. Doanh thu của Co.opmart Cần Thơ không chỉ đứng đầu khu vực mà còn là đơn vị có doanh thu cao nhất các siêu thị (trừ khu vực TP Hồ Chí Minh) trở thành “đầu tàu” chi phối thị trường bán lẻ ở miền Tây Nam bộ. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh- Saigon Co.op (đơn vị chủ quản hệ thống Siêu thị Co.opmart), cho biết: Từ sự kết hợp giữa Co.opmart Cần Thơ và Trung tâm thương mại Sense City, đã tạo nên một nơi mua sắm và giải trí toàn diện cho cả dân TP Cần Thơ và người dân ở các tỉnh, thành trong khu vực. Để mở rộng mạng lưới phân phối, đầu năm 2017, Saigon Co.op đưa vào hoạt động thêm Siêu thị Co.opmart Thốt Nốt, tại quận Thốt Nốt mang đến tiện ích nhất cho người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đang tiến hành đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food”.Không chỉ ngẫu nhiên người ta ví Cần Thơ là trung tâm phân phối vùng. Nhiều người ở các tỉnh cũng đánh xe đến sắm đồ Tết. Anh Nguyễn Văn Năm ở tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: “Cần Thơ giờ trở thành điểm hẹn mua sắm của gia đình tôi. Giờ đường sá tốt rồi, từ Sóc Trăng lên Cần Thơ chỉ hơn một giờ xe chạy, đến Cần Thơ gia đình vui chơi, mua sắm cả ngày tới tối quay về nhà hoặc nghỉ lại một đêm tại các khách sạn cũng rất tiện. Tại các cửa hàng, siêu thị, TTTM hàng hóa chẳng thiếu thứ gì, riêng hàng thời trang, từ những sản phẩm bình dân đến những nhãn hàng cao cấp như: Vascara, Converse, Nike, Gap, Giovani, Valentino, Adidas, Tissot, Việt Thy, S-line, Sơn kim… tha hồ để lựa chọn”.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Xuân Khánh của tập đoàn VinGroup chính thức khai trương tại tòa tháp cao nhất khu vực ĐBSCL. Đây là Trung tâm thương mại Vincom thứ 2 đi vào hoạt động tại thành phố theo mô hình “Một điểm đến – Mọi nhu cầu” hội tụ đầy đủ các ngành hàng phục vụ đời sống hiện đại của người dân. Tập đoàn VinGroup còn phát triển hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart+, mang đến sự lựa chọn đa dạng về hàng hóa, dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu mua sắm từ bình dân đến cao cấp của khách hàng. Đặc biệt, cuối năm 2016 VinGroup đưa vào hoạt động khách sạn Vinpearl Cần Thơ (nằm trong tổ hợp bao gồm 1 tòa tháp 30 tầng, cùng 52 căn nhà phố thương mại Shophouse), Tập đoàn VinGroup đã hoàn chỉnh hệ thống TM DV với lối kiến trúc tân cổ điển, tạo nên một quần thể kiến trúc sang trọng và đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm, nghỉ dưỡng không chỉ với người dân địa phương mà cả du khách trong và ngoài nước khi đến đất Tây Đô.
Không hề “chậm chân”, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc cũng đã chọn TP Cần Thơ trong chiến lược mở rộng mạng lưới tại vùng Tây Nam bộ. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, TTTM Lotte Mart Cần Thơ giờ trở thành lựa chọn uy tín của người dân tiêu dùng. Trung bình mỗi ngày, Lotte Mart Cần Thơ đón khoảng 7.000 lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm; vào dịp cuối tuần lên đến 15.000 lượt khách. Ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam, khẳng định: ‘Sau thành công TTTM Lotte Mart Cần Thơ, chúng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển của vùng ĐBSCL và sẽ tích cực đầu tư cho vùng”.
Thành phố ngày càng năng động và hiện đại, điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2016, tổng doanh thu du lịch TP Cần Thơ đạt 1.800 tỉ đồng, đón 5,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 14%; phục vụ 1,7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 7%, trong đó khách quốc tế đạt 258.400 người, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống nhà hàng, khách sạn đủ sức phục vụ các hội nghị, hội thảo có quy mô lớn mang tầm cỡ quốc tế. Các điểm tham quan, dịch vụ vui chơi giải trí được quan tâm đầu tư ngang tầm, như: Nhà lồng Chợ cổ Cần Thơ, Cầu đi bộ Cần Thơ, du thuyền trên sông, chợ nổi Cái Răng, Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam… Các ngành cung ứng dịch vụ của thành phố không ngừng nâng chất, với hệ thống trên 200 cơ sở lưu trú, đặc biệt ngày càng nhiều khách sạn nâng tầm lên chuẩn 4, 5 sao, đáp ứng tốt các nhu cầu nghỉ dưỡng của khách trong và ngoài nước. Từ sức hút này nhiều hãng lữ hành lớn trong nước và quốc tế đã tự tin mở chi nhánh tại Cần Thơ, như: Saigontourist, Vietravel, Fiditour, BenThanh tourist, An Tín Travel, TST, Vietcircle, Transmekong,…
Hệ thống siêu thị, TTTM phát triển, thành phố cũng “không quên” mời gọi xã hội hóa, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cải thiện, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống ngày càng khang trang, sạch sẽ. Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển chợ, siêu thị Việt Mai, cho rằng: “Mở rộng kênh phân phối, đặc biệt tại các khu chợ truyền thống được xem là giải pháp tốt nhất để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Công ty định hướng xây dựng các khu chợ truyền thống tại vùng nông thôn, cung ứng hàng Việt chất lượng tốt cho người dân”.
Hỗ trợ cho sự phát triển, những năm qua thành phố không ngừng nâng cấp tăng cường đầu tư hệ thống giao thông thủy, cảng biển và đường hàng không, giữ vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, như: luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (qua sông Hậu, kênh Rạch Sỏi, sông Cần Thơ) đáp ứng yêu cầu vận tải thủy quốc gia và liên vùng. Hệ thống cảng biển đã và đang được đầu tư xây dựng nâng cấp từng bước theo quy hoạch cảng biển vùng ĐBSCL. Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ mở nhiều đường bay thẳng đến các vùng miền trong nước và quốc tế: Hà Nội, Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng, Côn Đảo, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… giúp người dân thuận tiện trong đi lại và vận chuyển hàng hóa. Năm 2016, tổng số hành khách qua Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt gần 581 ngàn lượt, tăng 100 ngàn lượt; tổng hàng hóa – bưu kiện 3.334 tấn, tăng 626 tấn, so với năm 2015. Thành phố đã đưa vào hoạt động bến xe tại Khu đô thị Nam Cần Thơ đạt tiêu chuẩn bến xe cấp I trên tổng diện tích quy hoạch 10,29 ha. Hệ thống cáp quang mạng dữ liệu chuyên dùng triển khai đến 79 đơn vị sở ngành, quận huyện, đạt tỷ lệ 100%. Hệ thống mạng viễn thông của Vinaphone, MobiFone, Viettel phát triển mạnh, phủ kín toàn thành phố.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: thương mại – dịch vụ là lĩnh vực phát triển nhất chiếm trên 60% trong tổng cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ… Hiện tại, TP Cần Thơ là địa phương duy nhất trong khu vực ĐBSCL có nguồn thu ngân sách được điều tiết về Trung ương mỗi năm là 9%. Để trở thành trung tâm vùng, theo các chuyên gia kinh tế, TP Cần Thơ cần định hướng đầu tư cũng như xây dựng những chính sách phát triển, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng hệ thống logistics. Bởi, phát triển hệ thống logistics còn giúp TP Cần Thơ trở thành đầu mối giao thương, phân phối của cả vùng Tây Nam bộ.
Cảnh sắc Tây Ðô
Nằm dọc theo dòng sông Hậu hiền hòa, Cần Thơ được xem là thành phố sông nước mang bản sắc, đặc trưng miền Tây Nam bộ. Mỗi khi nói đến Cần Thơ, ai cũng liên tưởng đến bến Ninh Kiều đẹp và nên thơ. Cảnh quan bến Ninh Kiều ngày nay càng đẹp hơn bởi thành phố đã ra sức chỉnh trang cùng nhiều công trình kết nối làm thay đổi diện mạo hướng tới một đô thị thông minh, hiện đại…
Ðô thị đẹp xứng tầm cảnh quan châu Á
Anh Phan Trung Dương, sống ở Bạc Liêu có dịp đến Cần Thơ vui chơi, nhận xét: “Khá lâu rồi mới có dịp ghé Cần Thơ, tôi thấy khu vực bến Ninh Kiều rất đẹp, những tòa nhà, khách sạn kiểu dáng hiện đại đã “mọc lên” như làm tăng thêm sức sống đô thị. Cây cầu “tình yêu” có dàn đèn nghệ thuật về đêm rất lung linh, mang phong cách hiện đại, thu hút đông đảo giới trẻ, học sinh, sinh viên đến vui chơi, giải trí lành mạnh. Tản bộ trên cầu có cảm giác thật mát mẻ, vui tươi…”.
Cần Thơ đã đầu tư xây dựng cầu đi bộ Ninh Kiều – nối từ bến Ninh Kiều qua cồn Cái Khế. Sáng kiến cải thiện diện mạo đô thị và tăng cường kết nối giữa phát triển đô thị với những giá trị truyền thống của địa phương. Ngoài vai trò là một công trình giao thông, cầu đi bộ có kiến trúc đặc trưng miền Tây sông nước. Cầu đi bộ Ninh Kiều – phần cầu chính dài 199m, rộng 7,2m. Các hạng mục phụ trợ gồm: hệ thống chiếu sáng theo kịch bản, hệ thống cây xanh 2 bên thành cầu, hệ thống thoát nước, hệ thống phòng hộ và công viên đầu cầu phía Ninh Kiều… Phương án kiến trúc của cầu do chính các kiến trúc sư của Cần Thơ phác thảo ý tưởng và thiết kế chi tiết, mặt cầu được cách điệu uốn lượn hình chữ S tượng trưng cho hình dáng đất nước Việt Nam, ở 2 phần cầu mở rộng là hai đài hoa sen – Quốc hoa của nước Việt Nam kết hợp hệ thống chiếu sáng và mái che hiện đại… Công trình cầu đi bộ Ninh Kiều hoàn thành sau khoảng một năm triển khai thi công, khánh thành vào dịp Tết Bính Thân 2016. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cầu đi bộ Ninh Kiều luôn thu hút đông đảo người dân Cần Thơ và vùng ĐBSCL, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sông nước về đêm, ngắm dàn đèn nghệ thuật.
Cải tạo công viên Lưu Hữu Phước cũng được thành phố đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, phục vụ lợi ích công cộng, đồng thời tạo không gian quảng trường rộng thoáng cho các hoạt động văn hóa và tổ chức sự kiện của thành phố. Đây cũng là công trình tạo thêm “điểm nhấn” cảnh quan đô thị ở khu vực trung tâm thành phố. Công viên này rộng khoảng 2ha; gồm quảng trường, công trình công cộng, cây xanh…
Và thật bất ngờ khi “đem chuông đi đánh xứ người”, TP Cần Thơ đã đạt Giải “Ban Giám khảo bình chọn” của Cuộc thi Giải thưởng cảnh quan châu Á 2016, với hồ sơ dự thi “Cần Thơ-Thành phố sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” giới thiệu những cảnh quan đẹp tại khu vực bến Ninh Kiều, cầu đi bộ và công viên Lưu Hữu Phước, là những công trình làm cho đô thị khởi sắc. Cần Thơ trở thành địa phương duy nhất của Việt Nam đạt giải Cuộc thi Giải thưởng cảnh quan châu Á 2016. Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, tự hào: “Cần Thơ muốn nhân cơ hội tham dự Cuộc thi Giải thưởng cảnh quan châu Á 2016 để liên kết quốc tế, xây dựng hình ảnh, quảng bá sự phát triển, nét đặc sắc của thành phố với cộng đồng quốc tế. Ban Giám khảo cuộc thi đã ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của TP Cần Thơ trong phát triển đô thị thời gian qua. Đạt giải cuộc thi là động lực để TP Cần Thơ xây dựng cảnh quan đô thị gắn liền với đặc trưng thành phố sông nước miền Tây, tạo lập môi trường sống tốt hơn cho người dân thành phố…”.
Ðô thị thông minh, hiện đại trong tương lai…
Một thực tế không thể phủ nhận là thời gian qua TP Cần Thơ đã phát triển không ngừng: đẹp và hiện đại hơn xưa rất nhiều. Bắt đầu từ chủ trương đúng đắn của lãnh đạo thành phố chỉ đạo tập trung các dự án, công trình trọng điểm. Song song đó là những dự án quan trọng được Chính phủ và các nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức…) đã và đang thực hiện đưa TP Cần Thơ hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Nổi bật là Dự án Nâng cấp Đô thị TP Cần Thơ tập trung nâng cấp khu vực thu nhập thấp tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy đã hoàn thành; 35 khu vực thu nhập thấp (gồm 245 hẻm), tương đương 40,8km đường hẻm, 5km đường lớn, 4km kênh rạch và 4,5km thoát nước đô thị được nâng cấp khang trang. Kênh và Hồ Xáng Thổi rộng 6,5ha, Rạch Tham Tướng, Rạch Cái Khế, Rạch Sơn được cải tạo… Sau khi dự án hoàn thành đã trở thành những khu đô thị xanh. Dự án Nâng cấp Đô thị vùng ĐBSCL-Tiểu Dự án TP Cần Thơ đang thực hiện (triển khai thi công 29/29 gói thầu xây lắp, trong đó đã bàn giao đưa vào sử dụng nhiều gói thầu), tập trung nâng cấp khu vực dân cư thu nhập thấp tại 4 quận là Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và Cái Răng; 31 khu vực thu nhập thấp (94 hẻm) tương đương 44,26 km đường hẻm, 35 km hệ thống thoát nước hoàn chỉnh làm thay đổi cuộc sống cư dân đô thị ngày càng tốt hơn.
Không thỏa mãn với kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu: “Xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…”. Từ đó, đặt ra nhiệm vụ cho các cấp chính quyền phải tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Trong bối cảnh đó, triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh hơn không chỉ có ý nghĩa cấp bách, mà còn là chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Khu vực Bến Ninh Kiều và Cầu Đi bộ nhìn từ trên cao. Ảnh: ANH KHOA
Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đã được thành phố triển khai để tìm chỉ hướng, hiến kế xây dựng thành phố thông minh. Theo Giáo sư Kim Hak Min, chuyên gia, đơn vị tư vấn Hàn Quốc, thành phố thông minh là công cụ cho phát triển bền vững. Xây dựng mô hình thành phố thông minh cho TP Cần Thơ có 3 nội dung lớn: Chính phủ thông minh, bao gồm: dịch vụ công thông minh, quản lý thảm họa thông minh, ngăn ngừa tội phạm thông minh, giao thông thông minh…; Kinh doanh thông minh, trong đó có nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, dịch vụ thông minh, vận tải thông minh…; Sống thông minh với mua sắm thông minh, dịch vụ giáo dục thông minh, nghỉ dưỡng thông minh, môi trường thông minh, giải trí thông minh… Đưa công nghệ thông tin vào ngành nông nghiệp, ngành sản xuất và nhóm ngành dịch vụ… Giáo sư Kim Hak Min nhấn mạnh: “Tin tưởng với sự nỗ lực của thành phố, Cần Thơ sẽ là thành phố thông minh hàng đầu ASEAN, đặc biệt trong phát triển về công nghệ…”.
Định hình TP Cần Thơ thông minh, thành phố bắt tay lên kế hoạch thực hiện. Ông Lê Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, thể hiện sự tích cực: “Sở đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025 và tham mưu UBND thành phố trình Thành ủy xem xét, ban hành. Trong đó xác định mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh thông qua sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để thu thập, truyền, lưu trữ và xử lý dữ liệu, hướng tới phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và quản lý đô thị thông minh hơn. Có nghĩa trên cơ sở ấy giúp chính quyền chủ động trong các tình huống, phân tích, dự báo và đưa ra quyết định chính xác, nhanh chóng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước hiệu quả, phát triển kinh tế , nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế…”.
ANH KHOA
Nguồn: baocantho.com.vn