Xóm Thúng ven sông
     

Qua khỏi cầu Thốt Nốt độ một cây số là đến cầu Trà Uối. Dưới chân cầu bên này có một đường rẽ phía tay trái, thấp hơn mặt lộ một chút. Bước xuống con đường rẻ ấy, đi dọc theo con rạch nhỏ, tre, trúc mát rượi hai bên chỉ vài trăm thước thôi, khách sẽ ngạc nhiên thích thú trước một xóm đan lát thủ công trải rộng hàng cây số với hàng trăm nhà cùng làm một nghề: đan thúng, rổ, sề, sịa… Tất cả đều từ tre trúc. Đây cũng là nơi Công ty Du lịch Cần Thơ thường dẫn du khách nước ngoài đến tham quan trong các tua hướng về miệt vườn, về các “làng nghề”…

1- Buổi sáng, đi hai chặng xe buýt từ Cần Thơ lên, tôi thấy mình đứng trước dốc cầu Trà Uối. Nhớ lời dặn của thằng cháu hay dẫn khách du lịch lên đây, tôi bước xuống con đường nhỏ bên dưới. Hai bụi trúc um tùm ngay đầu lộ gợi cảm giác về một vùng quê thật yên tĩnh. Con rạch nhỏ chảy vào xóm đang cạn nước. Đi một đỗi lại thấy vài chiếc nghe đang buông neo giữa dòng, chở đầy trúc. Con đường lót bằng những tấm đan lớn, êm ả, sạch thoáng chứ không còn là đường đất như thường thấy ở vùng quê. Bước ngang cây cầu xi măng, trước mắt đã thấy một hàng sề phơi mình trong nắng ngay cổng nhà ai. Cạnh đó là nan tre, nan trúc nằm ngổn ngang trên đất, xóm thúng đây rồi!

Dù có nghe trước đôi nét, chắc chắn khách đến đây cũng sẽ bất ngờ thú vị như tôi. Một dãy nhà liên tiếp kề cận nhau, hàng mấy chục nhà, nhà nào cũng đan sề, đan rổ, thúng… Trên mọi sân nhà đều dựng rất nhiều bó trúc, nhỏ có, lớn có. Lúc nãy đi ngang qua mấy ghe chở trúc đậu ở dưới bến, đang khiêng trúc lên các trại ngay đó, tôi có hỏi một cậu thanh niên:

– Trúc đâu chở về nhiều vậy em?

– Thì mua nhiều chỗ mà. Cà Mau nè, Gò Quao nè, dưới miệt Thứ đó (Thứ mười một, thuộc Kiên Giang). Còn tre thường là trên Bình Dương chở về…

– Sao thấy đầu xóm vào đây rất nhiều tre, trúc mà không đủ à? Cậu thanh niên cười ngất:

– Làm sao đủ cô ơi! Cả xóm này nhà nào cũng mỗi ngày ra ít nhất hàng năm chục cái sề hoặc rổ, thúng, mấy cọng trúc đó mà ăn nhằm gì! Không tin cô cứ vào xóm khắc biết.

Đúng là chàng thanh niên nói không sai! Chỉ đi qua vài căn nhà đầu xóm thôi, lượng sề, thúng trong mỗi nhà đã cho thấy cái xóm thúng nằm dọc con rạch nhỏ dường như lẫn khuất, giấu mình kín sau những bóng trúc xanh um tùm này không hề lặng lẽ hiu hắt chút nào. Thoạt nhìn, những căn nhà san sát nhau vẫn lộ vẻ đơn sơ, mộc mạc của một xóm quê với nếp sống khiêm tốn, đơn điệu. Nhưng theo từng bước chân vào sâu trong xóm, khách vẫn cảm nhận được một nhịp điệu lao động đều đặn, bền bỉ và rộng khắp của một “làng nghề” ở vùng châu thổ mênh mông sông nước, chằng chịt kinh rạch này…

2- Đánh một vòng qua xóm ngắm bao quát một chút, tôi rẽ vào căn nhà ngay dưới góc cầu xi măng, gần như đầu xóm thúng. Hai cô con gái ngoài hai mươi tuổi đang ngồi chẻ nan từ những bó trúc đã được cưa sẵn, đều tăm tắp dài khoảng sáu tấc. Lưỡi mác nhỏ trong tay các cô cứ rèn rẹt, rèn rẹt, bén ngót. Mấy thanh nan được chẻ cũng thật đều. Cô chị tên Sương cười:

– Tụi em ai cũng chẻ nan, vót nan, đan mê được. Cần gì làm nấy chứ không làm chuyên từng việc như cô nói. Vả lại rảnh lúc nào, làm lúc đó thôi mà. Nhớ lại lúc nãy đi một vòng xuống mấy căn nhà đằng kia tôi thấy rất nhiều sề đan xong phơi nắng mà ít thấy thúng, tôi có thắc mắc và cô Sương đã trả lời:

– Tại theo mùa mà. Mấy cái sề (sịa) này lúc nào cũng dùng cả. Mấy bà, mấy chị đựng chuối, quýt, cam, khóm hoặc đội rau cải, cá thịt ra chợ gì cũng được. Còn thúng người ta lấy nhiều mùa sạ hoặc gặt lúa, rổ rá thì mùa nước lũ, nước nổi. Ở đây đan tùy nhu cầu người mua thôi.

 

Qua câu chuyện với hai chị em tôi mới biết cả hai đều là người vùng khác, về đây làm dâu rồi học theo nghề nhà chồng. Anh chồng cô Sương lúc nãy cũng ngồi đan mê trong bộ ngựa trong nhà, còn cô em bạn dâu không biết tên gì cũng đang thoăn thoắt chẻ nan. Kế bên, một chị phụ nữ trên dưới năm mươi thì ngồi vót nan. Cô Sương cho biết hai nhà chung sân chung cửa ra vào vì “Bên kia là nhà chú, em ruột ba chồng em”.

Nhìn mấy cái mê đan xong, nằm chồng chất trên đất, tôi hỏi:

– Em đan xong một mê thế này, mất bao lâu?

– Nhanh lắm, quen tay thì chỉ mười phút thôi. Nhưng trước đó phải cưa trúc, phải chẻ nan, vót nan cho đều.

Tìm hiểu sâu về nghề, tôi được biết, việc đan lát, chẻ nan, vót nan thì đơn giản thôi, ai cũng làm được. Chỉ có việc cạo tinh, tức cạo lớp vỏ xanh của trúc cho trắng thì cần khéo léo, cẩn thận, người cạo phải lấy giẻ bó tay, bằng không đứt tay như chơi vì lưỡi mác nhỏ bén ngót kia. Nhưng khó nhất trong các công đoạn chính là lúc lận vành.Vành thúng, sề hay rổ bao giờ cũng là tre mới đủ cứng và bền. Mà việc lận vành bao giờ cũng phải là đàn ông, bởi phụ nữ không đủ sức với công việc nặng nhọc này.

– Thế nhà không có đàn ông?

– Thì mướn. Cả xóm đều vậy. Trước ba chồng em còn sống, ông lận vành “nghề” lắm. Giờ nhà em cũng mướn. Có ông làm giỏi, lận cả trăm cái một ngày. Sương còn khoe với tôi tấm ảnh phóng to của ông già chồng đang ngồi lận vành thật rõ trong tủ kiếng:

– Có ông khách Liên Xô đến đây lâu lắm rồi chụp cho ba em đó.

Có lẽ nghe tiếng nói chuyện, bà má chồng cũng ra ngồi chẻ nan trúc và góp chuyện. Bác cho biết tên chồng bác là Sáu Nhương, dân cố cựu của xóm này. Từ khi về làm dâu ấp Thới An, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt này bác đã thấy nghề đan thúng, đan rổ phát triển rồi. Nay thì rất nhiều nơi về đây ăn hàng. TPHCM có, Long Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau… Và ngay ở vùng huyện nhà nữa. Có khi thương lái đặt cọc tiền trước rồi hẹn ngày giao hàng, có khi hàng xuất theo định kỳ, tuần lễ, mươi hôm một lần.

– Được nhiều không bác? Nhà ta thu nhập bằng nghề này có đỡ không?

– Cũng tùy lúc, ít thì năm ba chục, nhiều thì từ mấy trăm. Nếu lấy công làm lời thì trừ tiền mua trúc, mua tre, tiền công cạo tinh, lận vành… cũng lời gần nửa.

Hỏi thử thì biết một trăm sề giá từ chín trăm đến triệu mốt theo lớn nhỏ. Thúng hơi mắc hơn một chút cũng tùy sức chứa, có thúng giạ, thúng chưa tới giạ và lớn hơn giạ lúa, cao nhất cũng một triệu rưỡi một trăm.

Tôi chỉ mấy cái thúng đang phơi:

– Sao vành thúng này còn xanh quá vậy em? Không có loại thúng vàng nâu bóng mượt cô thấy ở nhà?

Sương cười:

– Đó là thúng đã thui vành, mắc hơn một chút vì tốn công hơn. Người ta lấy ruột trúc đã cạo bỏ đốt lên với rơm, chờ lửa rụi hết chỉ còn khói vàng mới gác cây đặt các nẹp vành lên thui, trở đều cho vàng rồi đem phơi nắng, sau mới lận vành.

Nói chuyện cả buổi trời với cô bác, em cháu xóm thúng, mới thấy cuộc sống thật đơn giản dễ chịu làm sao! Cả hai cô gái trẻ tôi làm quen, không ai học quá lớp ba. Hai bà má hai nhà liền nhau thì cười nói rất tự nhiên:

– Nói thiệt, từng tuổi này tôi còn chưa biết tới Long Xuyên nữa đó. Chỉ quanh quẩn trong xã, trong huyện Thốt Nốt này thôi.

Câu nói nhẹ tênh mà sao tôi, kẻ tìm đến đây sau hai chặng xe buýt cứ thấy nao nao, bồi hồi.

3- Khi tôi từ giã xóm thúng, từ giã cái gia đình rất dễ thương vừa quen, trời đã quá ngọ. Men theo con rạch ra đường cái tôi bắt gặp một chiếc ghe hàng đang thả vào rạch theo con nước mới lớn. Chắc là ghe đến thu hàng. Những chiếc sề cho các dì, các chị trong các chợ, những chiếc thúng túa về khắp nẻo ruộng đồng, rồi rổ, rá, sàng, nia… Từ xóm thúng trong con rạch nhỏ đổ ra dòng Mekong này có biết bao sản phẩm tung ra mỗi ngày tô điểm thêm bản sắc đậm đà cho vùng đất Cần Thơ. Nhưng sao trong tôi vẫn vương vấn câu nói của bà má ban nãy. Những sản phẩm từ đôi tay cần cù kia đã đi cùng khắp mà họ thì… Biết đến bao giờ những con người thật thà lam lũ ấy mới có thể phóng tầm nhìn ra khỏi lũy tre xanh để hiểu đất nước mình thênh thang đẹp đẽ đến thế nào. Và phải chăng trong cái đẹp đẽ phong phú ấy, có những cái sề, cái thúng từ bàn tay cần mẫn khéo léo của họ hôm nay?

Nguồn: Theo Báo Cần Thơ

TIN LIÊN QUAN